Ông Hồng kể chuyện đồng đội trên tàu “không số”. |
Người cựu chiến binh tàu không số Phạm Quốc Hồng (xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình) đã nâng niu, gìn giữ chiếc băng tang để tang Bác Hồ suốt mấy chục năm qua.
Gian nhà giữa của ông Phạm Quốc Hồng treo ảnh Bác Hồ và những tấm huy chương, những hình ảnh, kỷ vật của một thời chinh chiến, trong đó có chiếc băng tang dài 7,5cm, rộng 3,3cm với hai màu đỏ đen. “Mấy mươi năm qua mỗi khi nhìn chiếc băng tang tôi như nhìn thấy Bác, và tự dặn mình phải sống sao cho xứng đáng là người lính cụ Hồ”.
Những năm chiến tranh chống Mỹ, ông Hồng nằm trong quân số của đội tàu không số trên biển. Một ngày đầu tháng 9 - 1969, tàu do ông Hồng làm máy trưởng chuẩn bị phần việc cuối cùng cho chuyến đi Cà Mau thì nhận tin Bác mất.
Cả đơn vị lặng người, đau đớn. Họ ra khơi với lòng tiếc thương Bác vô hạn cùng ý chí quyết tâm bằng mọi cách phải đưa được hàng tới bến. Qua vùng biển Hoàng Sa, tàu của ông Hồng gặp ngay 4 tàu địch, trong đó có cả tàu khu trục.
Cuộc chạy đua giữa tàu không số và 4 tàu địch càng lúc càng căng thẳng, có lúc chúng ép tàu của ông vào bờ nhưng tàu vẫn giữ đúng hướng. Đêm đến chúng cho máy bay thả pháo sáng và rượt đuổi, bám riết tàu không số, có lúc các đồng chí trên tàu đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là chấp nhận hy sinh.
Cũng may lúc đó một cơn mưa giông ập đến, sóng to gió lớn kéo tàu không số ra xa 4 tàu địch. Nhân cơ hội đó, tàu không số tăng tốc thẳng hướng về Cà Mau. Mọi người khẩn trương bốc dỡ hàng hóa và trở về.
Hôm đó, đồng chí Võ Hán - Tiểu đoàn trưởng, lên tàu phát băng tang cho tất cả anh em. Mọi người xúc động cài vào ngực. Anh em đặt ảnh Bác lên bàn thờ trên boong tàu. Tất cả anh em trên tàu đều khóc.
Sau những ngày để tang Bác, những người lính trên chiếc tàu không số đã cất băng tang vào ba lô và gìn giữ nó như một kỷ vật linh thiêng nhất. Chiếc băng tang luôn theo các chiến sĩ trong những trận đánh giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam. Riêng với ông Hồng, “báu vật” đó đã theo ông đến tận hôm nay.
Phan Phương