Người ta đã dẫn chứng rõ ràng, trong nhiều trường hợp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã từ chối mua điện của các nhà máy bên ngoài như của Tập đoàn Dầu khí, của Than và Khoáng sản, của Lilama Việt Nam… với lý do duy nhất: Giá bán điện của những nơi này cao hơn giá thủy điện, trong khi những nhà máy nhiệt điện của các tập đoàn này chưa chạy hết công suất. Nhưng họ chỉ chạy và bán điện theo hợp đồng với EVN, chứ không thể “tự sản tự tiêu” theo kiểu nào khác!
Dĩ nhiên, điện than, điện khí, điện dầu, điện gió… thì giá phải cao hơn thủy điện. Nhưng trong khi các nhà máy thủy điện nằm… thở dài vì không có nước, thì giải pháp duy nhất của EVN chỉ là… cắt điện.
Trong suốt mùa hè này, không kể những tổn thất về sức khoẻ của người dân do điện bị cắt liên tục, cắt tràn lan, cắt không báo trước… thì những tổn thất về kinh tế do “nạn cắt điện” là không thể tổng kết được. Thiệt hại do nạn cắt điện gần như “phủ sóng” lên mọi hoạt động của nền kinh tế quốc dân, từ kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể tới kinh tế tư nhân. Có thể ở một số khu vực kinh tế nhà nước có được ưu tiên cung cấp điện, nhưng bù lại, khu vực kinh tế tư nhân lại chịu nạn cắt điện thường xuyên và không thể mở miệng kêu ai được! Khi EVN tuyên bố “ chỉ có từng ấy điện” thì còn ai dám kêu, và kêu thế nào được nữa.
Vậy là, với những cơ sở kinh tế nhỏ, người ta đổ đi mua máy phát điện để có điện làm việc. Nhưng phải nói thật, dùng máy phát điện chỉ là giải pháp tình thế và “chẳng đặng đừng”, chứ một kWh điện do máy phát điện chạy xăng dầu làm ra đắt gấp mấy lần điện mua của EVN.
Người ta nói, EVN sở dĩ không mặn mà mua điện của các nhà máy nhiệt điện vì họ sợ giá cao hơn thủy điện sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành điện. Nhưng liệu EVN có tính được, khi duy trì được một đồng lợi nhuận của mình, thì nền kinh tế quốc gia thiệt hại bao nhiêu đồng do tình trạng bị cắt điện chưa ?
Nếu ngồi bình tĩnh mà tính, thực ra bài toán này cũng không khó, họ sẽ giật mình khi bài toán cho đáp số. Sự thiệt hại của cả nền kinh tế nhiều khi vượt trên cả chuyện thiệt hại về tiền tính được, mà còn là những thiệt hại khó tính được về uy tín, về thương hiệu, về bảo đảm hợp đồng, về quan hệ khách hàng…
Nếu như EVN nói, tình trạng thiếu điện như thế này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa, thì không biết chúng ta dựa vào nguồn thống kê chính xác nào để tính được GDP của nền kinh tế tăng trưởng mấy phần trăm/năm? Còn biết bao ngành kinh tế khác phụ thuộc rất lớn vào nguồn điện mà sự thiệt hại do bị cắt điện chưa có cơ quan nào đứng ra thống kê. Xem ra, những câu hỏi này không chỉ dành cho “ông điện”.
Thanh Thảo