Nhiều nạn nhân mất hết tiền bạc, lâm cảnh tay trắng, thậm chí một phụ nữ do không đòi được nợ mà đột quỵ tử vong... tất cả chỉ vì trót tin chủ hụi.
Chết tức vì mất của
Những ngày qua, hàng trăm tiểu thương ở khu chợ Thủ (thuộc chợ thủ Dầu Một) đứng ngồi không yên vì đường dây họ tham gia chơi “hụi” bị vỡ và chủ hụi “cù nhầy” không chịu trả lại tiền mà các tiểu thương đã góp trước đó.
Theo phản ánh của nhiều nạn nhân, cầm đầu đường dây hụi này là bà Nguyễn Thị Oanh (ngụ đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một). Bằng hình thức vừa chơi hụi vừa cho vay tiền, vàng nên tổng số tiền bà Oanh huy động của những tiểu thương lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trong đó, người tham gia ít nhất cũng vào khoảng 100 triệu đồng, người nhiều nhất lên đến trên 1 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Lớn (62 tuổi ngụ xã Chánh Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, bán thịt bò tại chợ) tham gia đường dây chơi hụi của bà Oanh với số tiền đã đóng lên đến gần 1,3 tỷ đồng mà không hề có giấy tờ gì.
Hàng chục người dân Đà Nẵng bao vây nhà chủ hụi nhưng vẫn tiền mất tật mang
Theo bà Lớn thì bà Oanh là chỗ con cháu nên tin tưởng tham gia. “Đấy là số tiền tôi đi chợ gom góp mấy chục năm để sau này dưỡng già nhưng giờ nó lại kêu bể hụi, số tiền của tôi có nguy cơ mất hết” - Bà Lớn lo lắng. Còn bà Phan Thị Hường (50 tuổi, ngụ tại xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên) cho biết bà đã tham gia đường dây chơi hụi do bà Oanh cầm đầu được 4 năm và theo 6 dây hụi với số tiền 5 triệu đồng/phần, mỗi dây hụi kéo dài một năm rưỡi.
“Tôi đóng suốt hai năm nay chưa hốt lần nào giờ chị Oanh kêu bể hụi, tôi không biết làm sao lấy lại số tiền. Tất cả tiền bạc gia đình tôi đều đổ dồn vào đó, giờ biết sống sao đây”- bà Hường vừa khóc vừa nói.
Cùng tham gia đường dây hụi của bà Oanh tổ chức là chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, (ngụ phường Chánh Nghĩa), chị Trúc chơi tổng cộng 9 dây hụi của bà Oanh. Mỗi tháng đóng khoảng 36 triệu và mỗi dây hụi kéo dài một năm rưỡi. Cả chơi hụi và cho vay tổng số tiền chị Trúc đưa cho bà Oanh đến khi xảy ra bể hụi là 1,4 tỷ đồng. Những nạn nhân tham gia các dây hụi hoặc cho vay của bà Oanh khi đưa tiền đều không hề có giấy biên nhận mà chỉ có giấy viết tay sơ sài.
Cũng theo các tiểu thương, cứ đến tháng bà Oanh nói thu giùm người này, người kia, đến cuối dây hụi vào tháng 5 vừa rồi bà tuyên bố vỡ nợ. Khi bị đòi nợ, bà Oanh nói đã sang tên tài sản cho nhiều người trong gia đình nên nhờ người trong gia đình trả giùm. “Ban đầu chồng và chị ruột bà Oanh đứng ra nhận trả giùm nhưng đến nay hai người phớt lờ. Đến khi bị các tiểu thương liên tục đòi nợ thì bà Oanh hứa sẽ bán 8,2ha cao su ở Bình Phước rồi trả nhưng sau đó lại không trả”- một tiểu thương kể lại.
Đau đớn nhất là trường hợp của bà Nguyễn Thị Hiền do “sập bẫy” bà Oanh không thể đòi lại số tiền đã đóng hụi trước đó mà đột quỵ, sinh bệnh rồi tử vong cách đây vài ngày.
Gặp chúng tôi, những người trong gia đình bà Hiền đều rất đau khổ và bức xúc. Bà Hiền đóng vào đường dây hụi của bà Oanh khoảng 30 cây vàng. Sau khi chủ hụi tuyên bố bể hụi, bà Hiền như người mất hồn, không làm được gì mà chỉ chạy tới chạy lui tìm cách đòi lại phần nào số tiền đã đóng. Đòi mãi không được, sợ gia đình trách móc, bà Hiền sinh bệnh rồi chết tức tưởi.
“Chỉ vì quá tin người và ham lợi nhuận trước mắt mà nhà tôi mất của, mất cả người. Thật không thể nào ngờ được”- chồng bà Hiền mếu máo. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã nhận được 20 đơn của các tiểu thương chợ Thủ tố cáo bà Oanh nợ khoảng hơn 9 tỷ.
Hiện nay, bà Nguyễn Thị M. (chị gái bà Oanh) đã đồng ý bán hai căn nhà để trả nợ cho mọi người (hai căn nhà ước tính giá khoảng 4 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo những tiểu thương ở chợ Thủ, vẫn còn nhiều người khác tham ra đường dây với số tiền lên đến hàng trăm triệu nhưng chưa biết thông tin bà Oanh “bể hụi”. Sẽ còn hàng loạt nạn nhân khác có thể rơi vào cảnh trắng tay vì trót tham gia vào các đường dây hụi của bà này.
Bao giờ hết “say” hụi
Cuối tháng 6 vừa qua, hàng chục người đã kéo đến trước trụ sở UBND huyện Tân Châu (Tây Ninh), rồi kéo sang Huyện ủy Tân Châu kêu khóc, la hét cầu cứu các cơ quan chức năng giúp đỡ lấy lại tài sản. Từ tháng 6/2011, vợ chồng bà Lương Thị Kim Lan (SN 1961, đường Hoàng Hoa Thám, thị trấn Tân Châu), lập hụi, vay nợ trả lãi cao, chiếm đoạt khoảng 20 tỷ đồng của nhiều người, đa số là phụ nữ. Người ít nhất góp 40 triệu đồng, người nhiều nhất là chị Trần Thị Ngọc Trâm (SN 1972), góp và cho vay hơn 1,5 tỷ đồng.
Theo chị H., một nạn nhân bị giật hụi, còn nhiều chị em khác bị giật nợ nhưng không dám làm đơn tố cáo, vì họ là giáo viên, công chức, cán bộ nhà nước... Chị H. ngồi khóc giữa sân trụ sở kể chị bị giật nợ hơn 500 triệu đồng, trong khi con gái đang bị ung thư không có tiền chữa trị.
Bà Bùi Thị Sâm (SN 1958) làm rẫy, nghe bà Kim Lan dụ dỗ đã gom tiền nhà, rồi mượn thêm của người khác hơn 300 triệu. Chị Đặng Thị Thơm (SN 1975), là lao công trong bệnh viện huyện, mỗi tháng lương chưa được 1,5 triệu, cũng gom góp tiết kiệm, thế chấp đất vay tiền nộp hụi cho bà Kim Lan 96 triệu đồng. Tổng cộng, 36 nạn nhân tham gia các đường hụi của bà Lan có nguy cơ mất trắng hàng chục tỷ đồng.
Trước đó, những ngày đầu năm, một đoạn đường Hàn Thuyên ở thành phố Đà Nẵng trở nên náo loạn vì một vụ bể hụi lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng. Hàng trăm hộ buôn bán chợ Hòa Cường Bắc bỏ chợ để bao vây số nhà 189 đường Hàn Thuyên. Theo sự phản ánh của người dân, Nguyễn Thiên Trang, đã ôm hết tiền hụi của các hộ buôn bán trong chợ bỏ trốn. Trong chợ có khoảng 250 hộ buôn bán và có tới 90% tham gia chơi hụi, đóng tiền cho Trang.
Chị Phan Thị Hồng Yến, người bị mất 1 tỷ đồng cho biết: “Trang buôn bán quần áo ở chợ đã 2 năm nay. Trong chợ có mấy chị em nên ai cũng thân thiết, tin tưởng nhau. Chúng tôi đã đóng cho Trang mỗi ngày 500 ngàn đồng. Nghe Trang nói được lãi 25 ngàn/ngày nên ai cũng ham. Khi đến hạn lấy tiền, chúng tôi liên lạc với Trang thì không được nữa”.
Theo các nạn nhân lý do họ tin tưởng Trang vì cô ta làm giấy mời chơi hụi, đưa ra tài sản làm tin là căn nhà số 189 Hàn Thuyên và giấy tờ tùy thân. Mặt khác, mẹ ruột của Trang cũng làm cán bộ nên ai cũng tin. Không chỉ có các hộ kinh doanh bị lừa mà kể cả những người buôn bán, quét vệ sinh cũng tin tưởng, giao tiền cho Trang: Chị Trịnh Thị Phô 1,5 tỷ, chị Phan Thị Hồng Yến 1 tỷ, chị Nguyễn Thị Tây 600 triệu... và cả người buôn bán trầu cau là bà Nguyễn Thị Dám (70 tuổi) cũng bị mất 15 triệu.
Số tiền các hộ bị Trang ôm “cao chạy xa bay” lại không có giấy tờ gì chứng nhận. Vì thế cũng chưa thể biết chính xác số tiền mà người dân bị mất là bao nhiêu.
Vào tháng 3, hàng trăm tiểu thương tại chợ Bình Tây, Bình Tiên, chợ vải Soái Kình Lâm... chạy đôn chạy đáo khắp nơi truy tìm 2 chủ hụi Ngọc Hà và Tư, mong thu lại số tiền đã góp. Dây hụi của bà Tư và bà Ngọc Hà bể chỉ cách nhau vài ngày. Một vài tiểu thương ở chợ này bị mất đến cả tỷ đồng. Đổ vỡ dây chuyền lan sang nhiều hộ buôn bán ở các ngành hàng khác, ước tính sơ bộ hơn 20 tỷ đồng. Nhiều bà còn làm ăn ở các chợ khác như Bình Tiên, Kim Biên, Minh Phụng, Kình Soái Lâm đã "dính" vào hai dây hụi này.
Nhìn lại các vụ bể hụi cho thấy đều xuất phát từ chợ hoặc những người làm ăn buôn bán mà lan ra. Những chủ hụi thường phô trương sự giàu có cùng với khả năng ăn nói, thuyết phục được sự tin tưởng của người chơi. Nguy hiểm hơn, nhiều trường hợp tính toán từ đầu nên trả lãi suất rất cao, huy động được nhiều người. Rất nhiều người vì ham lợi nhuận mà bằng mọi cách vay mượn, cầm cố tiền bạc để đóng hụi, đến khi chủ hụi “biến mất” thì không thể nào cứu vãn được.
Mỗi năm, trên cả nước xảy ra hàng trăm vụ bể hụi. Riêng năm 2013 đã có hàng chục vụ quy mô rất lớn, số tiền giật hụi lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Hụi chỉ mang lại niềm vui nhỏ là một ít lãi trước mắt, nhưng khi hụi mang đến nỗi buồn thì nhà cửa tan nát, tán gia bại sản thậm chí nhiều người tự tử hoặc chết do quá uất ức. Hy vọng, nhiều người sẽ nhận được bài học sau những vụ việc này.