Vợ và bầy con của KTrang. |
Đồng bào thiểu số sống quanh vùng rừng quốc gia Cát Tiên quan niệm “ai hạ được tê giác sẽ là người giàu có, mạnh mẽ và trường sinh bất lão”. Thế nhưng sau gần 20 năm mang “án” hạ sát con vật quý hiếm này, một thợ săn cừ khôi giờ đây đang sống những tháng ngày day dứt, ăn năn...
Đường đạn tử thần
Người thợ săn đó là ông KTrang, 50 tuổi, dân tộc Châu Mạ, ở thôn Run Đăng, xã Phước Cát 2. Đã hơn 20 năm kể từ khi bắn những đường đạn hạ sát con tê giác cái tại suối Lạnh (xã Phước Cát 2), KTrang vẫn chưa thể quên...
Trong cái nắng gay gắt của mùa hè, KTrang ngồi trước cửa nhà nhả từng chùm khói thuốc khét lẹt. Bằng chất giọng khoẻ khoắn, chắc nịch, ông kể với chúng tôi về những đêm đi mật phục, săn tê giác ngày xưa.
Ông nói, loài tê giác sống đơn độc, rất hiền và nhút nhát, chỉ tấn công lại kẻ thù khi bị dồn vào chỗ chết. Mũi tê giác thính lắm, đánh hơi thấy mùi lạ cách xa cả cây số. Bởi thế, cánh thợ săn nếu muốn tiếp cận tê giác thì phải nằm rừng cả tuần cho bớt mùi người, đặc biệt không được lại gần đàn bà và hút thuốc lá - hai thứ mùi này tê giác rất dễ phát hiện.
Theo KTrang thì hồi đó ông hay đi rừng nên đã nhiều lần thấy dấu chân của tê giác ở khu vực suối Lạnh. Khi nghe người ta đồn bắn được tê giác sẽ bán được rất nhiều tiền nên ông quyết chí phục bằng được con mồi này...
Đêm đó, trời mưa như trút nước. KTrang đoán thế nào con tê giác cũng từ suối leo lên đồi tránh nước lũ, vì buổi tối sau khi ăn xong nó sẽ xuống những bưng bùn cạnh suối để đằm. Khoác khẩu súng cạc- bin, ông ngồi dầm mưa suống 3 giờ trong góc rừng nơi có nhiều dấu chân tê giác.
Chờ mãi chẳng thấy động tĩnh gì, đến khi ông định bỏ về thì nghe tiếng bước chân thình thịch mỗi lúc một gần. Đoán là con mồi đã xuất hiện, ông vội bật đèn săn. Đèn vừa sáng thì đụng ngay một cặp mắt xanh cách khoảng 15m. Mừng như bắt được vàng, ông giương súng lên xiết cò.
Bắn liền mạch hết cả băng đạn. Những tiếng nổ chát chúa vừa dứt thì những tiếng ọ ọ thảm thiết cất lên. Những bụi lồ ô gần đó cuồn cuộn như gặp giông, đổ rầm rầm. Hoảng hồn vì tưởng mình bắn trượt và tê giác nổi điên quay lại tấn công mình, ông vác súng chạy một mạch về nhà...
Sáng hôm sau, khi đã trấn tĩnh, ông gọi thêm một số người cùng buôn vác súng đi kiểm tra lại “chiến trường”. Tới nơi, ông và 4 người đi cùng không tin vào mắt mình nữa. Một vệt cây cối đổ rạp, tan nát.
Lần theo dấu đó khoảng 50m thì phát hiện một con vật to lớn, đen sì nằm chết sõng soài do bị trúng tới 4 phát đạn vào cổ và ức. Trên đầu con vật khổng lồ đó có một khối u giống như chiếc ấm nước móc ngược. Mọi người đi cùng hò reo vui sướng khi biết chắc con vật to lớn ấy chính là tê giác, loài thú mà mọi người mỏi mắt kiếm tìm.
Biết đã bắn chết thú quý mà nhà nước nghiêm cấm săn bắt, KTrang và nhóm người cùng đi đã bí mật xẻ thịt mang về buôn ăn và cất giấu toàn bộ xương, da để bán cho những người thành phố từng lên đây đặt hàng.
Trả giá
Cứ tưởng bắn được tê giác sẽ kiếm được món tiền lớn, nào ngờ đang hí hửng tìm mối để bán “thành quả lao động” của mình thì KTrang bị Công an huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước bắt. Bộ xương và da con tê giác cũng bị công an thu giữ. Sau 11 tháng tạm giam, KTrang bị đưa ra xét xử.
May mắn cho ông, xét thấy sự thiếu hiểu biết pháp luật, lại thấy ông hối cải ăn năn nên toà chỉ xử ông án treo. Trong gần một năm ông ở tù, mất đi lao động chính, nên nhà ông rơi vào cảnh túng thiếu.
KTrang hồi đó đang làm xã đội phó. Sau cái án trên, chức vị đó của ông cũng bị cắt luôn. “Tưởng bắn được tê giác mình sẽ trường sinh bất lão, giàu có, ai ngờ bây giờ khổ quá!”. KTrang có 13 đứa con. Bây giờ, con đông nên chỉ chạy gạo ăn thôi cũng ốm cả người.
Ăn còn chẳng đủ thì chuyện học hành càng quá xa vời. “Tôi cũng chẳng biết đứa nào học đến lớp mấy, chỉ biết thằng nào là anh thằng nào là em, chứ không biết chính xác đứa nào bao nhiêu tuổi” - KTrang buồn rầu tâm sự.
Nhà KTrang có 10ha điều, không có tiền mà mua phân chăm bón nên thu hoạch chẳng được là bao. Không những thế, năm nào gia đình ông cũng phải bán non, bán rẻ cho thương lái hạt điều để có tiền đong gạo khi những ngày giáp hạt cận kề.
Tuy nhiên, theo KTrang, những khó khăn của thời kỳ “hậu tê giác” trên chẳng ăn nhằm gì so với nỗi sợ hãi vẫn đeo đẳng ông. KTrang kể, những đêm trời mưa gió, ông thường gặp ác mộng. Trong giấc mơ kinh hoàng đó, ông vẫn thấy một con tê giác giãy giụa trong vũng máu và kêu những tiếng ọ ọ bi thương. Hai mươi năm nay, cơn ác mộng đó vẫn đều đặn đến với ông, mỗi ngày một rõ nét.
Gia Tưởng