Nhiều phòng thi đại học không đạt chuẩn. (Ảnh minh họa) |
Phòng thi không chuẩn
Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HM năm nay có gần 18.000 hồ sơ, tăng hơn năm trước đến 8.000 hồ sơ, nên đã rất khó khăn trong việc tìm đủ địa điểm thi, ngoài những địa điểm quen biết. Trong số 14 điểm thi của trường, có 7 điểm là trường tiểu học và 5 trường THCS.
Ông Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo cho biết: "Thuê trường tiểu học làm địa điểm thi là trường hợp bất đắc dĩ bởi lẽ bàn ghế thường không phù hợp với thí sinh về độ cao, khoảng cách. Nhưng việc thuê địa điểm thi không hề dễ, nhất là đến thời điểm này”. Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng thuê phòng của 11 trường tiểu học và 6 trường THCS trong tổng số 22 địa điểm thi. Tính chung toàn TP.HCM, trong đợt thi đầu tiên có 31 trường ĐH tổ chức thi thì phần lớn phải thuê trường tiểu học làm điểm thi.
Tại Huế, Ông Nguyễn Hoàng - Trưởng ban Đào tạo ĐH Huế cho biết: “Mặc dù đã có quy định không sử dụng những phòng thi không đạt chuẩn nhưng do lượng thí sinh dự thi lớn (62.500 hồ sơ đăng ký), nhất là ở đợt thi thứ 2 nên ĐH Huế buộc phải sử dụng phòng học của các trường tiểu học trên địa bàn”. Năm nay, điểm thi xa nhất của ĐH Huế là Trường THPT Hương Vinh (huyện Hương Trà) và Trường THPT Hương Thủy (thị xã Hương Thủy) đều cách TP.Huế 8-10km.
Tại Hà Nội, năm nay rất nhiều trường đã “choáng” vì giá thuê địa điểm thi tăng. Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội phải thuê tới 80% phòng thi. Ông Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: "Giá phòng cho thuê năm nay tăng hơn so với năm trước vào khoảng 250.000- 300.000 đồng/phòng, tuỳ từng địa điểm thi. Trường đang lo lắng lỗ nặng nếu ít thí sinh đến dự thi".
Lo mất điện
Từ 30-6, Ga Đà Nẵng sẽ tăng thêm 3 chuyến tàu chạy tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn để phục vụ các thí sinh đi thi đại học.
Theo ghi nhận của NTNN, không ít trường đang lo lắng về vấn đề điện trong các đợt thi. Tình trạng cắt điện luân phiên nhiều tháng nay khiến lãnh đạo Trường ĐH Thái Nguyên hết sức lo ngại.
Ông Phạm Văn Hùng - Trưởng phòng Khảo thí của trường cho biết: "Đợt 1 trường có 19 điểm thi, đợt 2 có 21 điểm thi. Để đối phó với tình trạng mất điện, trường đã làm việc với Công ty Điện lực Thái Nguyên đề nghị không cắt điện vào ngày thi, nhất là khu vực thi”.
Để hạn chế các bất trắc về thời tiết ảnh hưởng đến kỳ thi, ĐH Thái Nguyên đã chú ý trong việc chọn địa điểm thi. Theo ông Hùng, tất cả các địa điểm thi của trường đều là các trường ĐH, CĐ ở nơi cao ráo, không bị ngập khi xảy ra mưa lớn.
Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ông Nguyễn Kim Quang - Trưởng phòng Đào tạo cũng cho biết: "Điều lo ngại nhất hiện nay là thành phố đang vào mùa mưa, nếu việc cấp điện không được đảm bảo sẽ gây mất điện, thiếu ánh sáng". Năm nay Học viện Y học cổ truyền có 4.000 thí sinh đăng ký dự thi. Nhà trường tổ chức thi tại hai điểm (tại trường và thuê giảng đường Trường ĐH Mỏ - Đại chất Hà Nội).
Ông Trương Việt Bình - Giám đốc Học viện, cho biết: "Nhà trường đã làm việc với ngành điện về cung cấp điện trong đợt thi tới. Tuy nhiên, để đảm bảo đủ điện thắp sáng, quạt mát cho thí sinh trong các ngày thi, trường đã chuẩn bị máy phát điện công suất lớn tại các điểm thi".
Thiên Hà - Minh Nguyệt- An Sơn