Dân Việt

Sẽ tạo cơ hội cho tích tụ ruộng đất

15/06/2012 08:21 GMT+7
(Dân Việt) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm sẽ nâng lên 50 năm, bằng với thời hạn đất trồng cây lâu năm.

Bên hành lang Quốc hội (QH) sáng 14.6, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang xung quanh các thông tin ông công bố về thời hạn và hạn mức đất nông nghiệp trong phiên chất vấn tại QH sáng 13.6.

img
Tới đây nông dân sẽ được tăng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp.

Thưa Bộ trưởng, trả lời trong phiên chất vấn trước QH, Bộ trưởng nói rằng, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm sẽ kéo dài 50 năm. Cơ sở nào để đưa ra phương án đó thưa ông?

- Phương án đó được đưa ra là để đồng nhất với thời hạn sử dụng đất trồng cây lâu năm. Hiện đất trồng cây lâu năm được giao trong 50 năm và đất trồng cây hàng năm cũng sẽ được gộp chung vào cùng thời hạn đó. Còn nói cụ thể vì sao là 50 năm thì cũng khó. Giao đất trồng cây lâu năm trong 50 năm là tính cho 2 chu kỳ trồng và khai thác; còn cây hàng năm thì ngắn ngày, không tính theo chu kỳ được. Có thể nói, giao đất 50 năm là ổn định cho một chu kỳ đời người.

Tháng 10 tới, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được đưa ra với nhiều phương án để Quốc hội lựa chọn, quyết định. Cũng có ý kiến đề nghị là 30 năm, cũng có ý kiến đề nghị là 90, 100 năm, thậm chí là không có thời hạn. Nhưng nhìn chung, hầu hết các ý kiến đều thống nhất nên kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp để ổn định cho người nông dân sản xuất.

Bộ trưởng cũng đề cập đến việc tăng hạn điền trong Luật Đất đai sửa đổi sắp tới từ 5-10 lần hiện nay. Phương án cụ thể sẽ như thế nào?

- Đấy không phải tăng hạn điền mà tăng hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Hạn điền vẫn giữ, còn hạn mức chuyển quyền sử dụng đất sẽ tăng lên để tạo cơ hội để tăng tích tụ ruộng đất. Còn nếu nói tăng hạn điền thì sẽ phải chia lại ruộng đất. Như vậy là, đất được chia theo Nghị định 64/1993 của Chính phủ về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân vẫn được sử dụng ổn định. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu vẫn chưa có phương án cụ thể.

Có thể, mỗi gia đình sẽ có quyền sử dụng đất nông nghiệp lên đến 50 hoặc 100ha. Nhưng việc tăng diện tích đất nông nghiệp đó phải được quản lý để tránh đầu cơ. Diện tích càng rộng thì thuế đất sẽ càng cao và việc mở đến mức nào cũng phải xem xét kỹ càng. Tóm lại Nhà nước vẫn phải kiểm soát được đất nông nghiệp.

Được biết, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 sắp tới sẽ tiếp tục bàn về việc sửa đổi Luật Đất đai. Những vấn đề cần tiếp tục giải quyết là gì thưa Bộ trưởng?

- Hiện nay còn một số vấn đề nữa. Thứ nhất là vấn đề giá đất, hiện có hai luồng ý kiến là có nên bỏ khung giá đất hay không. Thứ hai là có nên duy trì hình thức tự thỏa thuận (giữa người dân và chủ đầu tư - PV) trong đền bù giải phóng mặt bằng nữa hay không.

Hiện nay, Nhà nước chỉ đứng ra giải phóng mặt bằng đối với các dự án an ninh quốc phòng..., còn với các dự án quy mô nhỏ do nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân. Hiện có nhiều ý kiến vẫn duy trì hình thức thỏa thuận, nhưng nhiều địa phương đề nghị Nhà nước đứng ra thu hồi, không thỏa thuận nữa vì như vậy sẽ tạo ra hai mức giá khác nhau, người dân sẽ so sánh.

“Hạn điền vẫn giữ, còn hạn mức chuyển quyền sử dụng đất sẽ tăng lên để tạo cơ hội để tăng tích tụ ruộng đất”.

Quan điểm của Bộ là vẫn nên duy trì hai hình thức như hiện nay. Nhà nước thu hồi các dự án của Nhà nước, còn lại là thỏa thuận. Tuy nhiên, việc thỏa thuận sẽ vẫn có sự tham gia của Nhà nước. Có như vậy, Nhà nước mới có thể điều tiết được phần thu nhập từ dự án đó. Nếu để người dân và chủ đầu tư tự mua bán với nhau thì Nhà nước sẽ không còn đóng vai trò quan trọng trong quản lý đất đai.

Tại phiên chất vấn, có ý kiến cho rằng, một dự án đầu tư làm đến đâu, giao đến đấy, không nên giao trước quá xa để ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng đánh giá thế nào về đề xuất này?

- Hiện nay, nông dân vẫn sản xuất ở các diện tích có quy hoạch nhưng chưa thu hồi. Chẳng hạn, khu đô thị Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên - PV) quy hoạch hơn 500 ha nhưng mới thu hồi 129ha, phần chưa thu hồi người dân vẫn tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, việc này sẽ được hướng dẫn cụ thể hơn.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!