BVPTR góp phần bảo vệ môi trường và là chất xúc tác cho việc phát triển một nền kinh tế xanh (KTX). Do đó, theo ông Hà Công Tuấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT): "Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2011 - 2020 về BVPTR của ngành lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 57/QĐ-TTg.
Theo đó, nhiệm vụ mà ngành cần tập trung là: Kết hợp chặt chẽ giữa trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, phục hồi rừng, cải tạo, làm giàu rừng, nâng độ che phủ rừng lên 42 - 43% vào năm 2015 và 44 - 45% vào năm 2020; nâng cao năng suất, chất lượng rừng, phát triển trồng rừng gỗ lớn phục vụ chế biến, kết hợp phát triển cây lấy gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Triển khai các dịch vụ môi trường rừng (MTR), tín chỉ các bon… Trước mắt tập trung công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, chống người thi hành công vụ, nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giảm thiệt hại".
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho biết: "Trong những năm qua, Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác bảo tồn thiên nhiên, đã thành lập được một hệ thống 164 khu rừng đặc dụng với trên 2,2 triệu ha. Chúng tôi đã và đang tích cực tham mưu cho Nhà nước thiết lập quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật; chỉ đạo thực hiện đúng đắn các quy định của Nhà nước; phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan tăng cường thực thi pháp luật, ngăn ngừa xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với các loài hoang dã".
Để thực hiện mục tiêu trên, trong những năm qua, nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư cho bảo vệ, phát triển và bảo tồn thiên nhiên, bên cạnh vốn ngân sách nhà nước, vốn xã hội ngày một tăng. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng: "Để có nguồn tài chính ổn định cho sự phát triển của ngành lâm nghiệp, đáp ứng được những yêu cầu mới hướng tới một nền "kinh tế xanh" thì ngành cần có sự đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội".
Với việc hướng tới nền kinh tế xanh, nghĩa là đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế gắn với giảm phát thải các bon, giảm ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và các hệ sinh thái. "Tất cả các yếu tố đó đều có liên quan đến ngành lâm nghiệp, đó là quản lý bền vững tài nguyên rừng, sử dụng khôn khéo, tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng suất, trữ lượng và chất lượng rừng để tăng khả năng phòng hộ, hấp thụ CO2 gây hiệu ứng nhà kính"- ông Tuấn đánh giá.
Trả lời về việc triển khai thực hiện chi trả dịch vụ MTR, ông Tuấn cho biết: "Ngày 10.4.2008 Quyết định số 380/2008/QĐ-TTg về thí điểm chi trả dịch vụ MTR ở 2 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La, sau 2 năm thực hiện thí điểm thành công, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 về thực hiện chi trả dịch vụ MTR trân phạm vi cả nước". Nguồn thu từ chi trả dịch vụ MTR năm 2012, dự kiến khoảng 700 tỷ đồng. Đây là nguồn thu quan trọng, bền vững hỗ trợ người làm nghề rừng ưu tiên BVPTR.
Nguyễn Anh