Sáng nay, thay mặt Chính phủ và Thủ tướng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn, "chốt" toàn phiên trả lời chất vấn của Quốc hội về vai trò điều hành của Chính phủ trong thời gian qua.
Đây là phiên trả lời chất vấn cuối cùng trong toàn phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày của Quốc hội (QH) tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII.
Trong phần trả lời chất vấn sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp thu và làm rõ hơn các vấn đề mà các thành viên Chính phủ đã giải trình và trả lời trực tiếp các câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Nội dung chất vấn dành cho Phó Thủ tướng tập trung vào việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ được nêu tại Nghị quyết số 42 năm 2009 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước và việc giải quyết các kiến nghị có liên quan.
Đây chính là nội dung đã được đại biểu gửi chất vấn bằng văn bản đến Thủ tướng Chính phủ, tại kỳ họp này.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời về chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, chỉ đạo giải quyết những tồn tại, sai phạm của các tập đoàn kinh tế, tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp đang có chiều hướng gia tăng.
Sau khi đọc xong báo cáo giải trình thêm nhiều vấn đề "nóng", các đại biểu bắt đầu phiên chất vấn.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề về đề án cải cách thủ tục hành chính về việc tuy nhiều cửa nhưng còn nhiều ngách, còn hành dân và đề nghị Bộ trưởng đánh giá hiệu quả đề án.
Nền kinh tế biến động, nạn tham nhũng lãng phí xảy ra liên tục gây bất bình dư luận. Nếu không sớm hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng XHCN thì Việt Nam khó thoát khỏi lạc hậu. Vậy giải pháp nào của Chính phủ trong thời gian tới?
ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) hỏi: Năm 2012, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, liệu nền kinh tế nước ta có suy giảm hay không? Đã qua giai đoạn khó khăn nhất hay chưa?
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Xin hỏi lại đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trình QH còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, nhiều từ “có thể”, nhận định chưa rõ nét? Nhiều ĐB đề nghị Chính phủ chưa thông qua đề án, nhưng Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã thấy việc tổ chức thực hiện đề án tổng thế tái cơ cấu nền kinh tế đã chắc chắn chưa? Nếu chưa thí điểm đề án, mà không đạt kết quả thì ai chịu trách nhiệm? Có thể thay bằng giải pháp nào?
ĐB Lê Quang Hiệp (Thanh Hóa) đặt vấn đề: Chính phủ có giải pháp gì thời gian tới để sự liên kết 4 nhà đạt hiệu quả cao, giúp người nông dân không gặp khó khăn?
ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM) hỏi: Từ khi xảy ra vụ Vinashin, qua ý kiến nhiều ĐBQH có đề xuất cần tăng tính công khai minh bạch trong hoạt động, Thủ tướng phải buộc các Tập đoàn, TCty này công bố thông tin như các Cty niêm yết chứng khoán. Nhưng tại sao tới nay vẫn chưa làm mà chỉ Thanh tra mới biết?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời các ý kiến của ĐBQH.
Với câu hỏi của ĐB Nguyễn Bá Thuyền về cải cách thủ tục hành chính, nhiệm kỳ vừa qua, Phó Thủ tướng cho biết, lần đầu tiên chúng ta thống kê được số lượng thủ tục hành chính nhà nước và công bố trên các phương tiện thông tin. Chính phủ đã ra 25 nghị quyết để tinh giản hơn 4.000 thủ tục.
Chính phủ nhận thức rằng những công việc trên có ý nghĩa lớn, tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Giải pháp sắp tới là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện môi trường kinh doanh tốt hơn. Chính phủ có trách nhiệm trong vấn đề này, sẽ tiến hành đẩy nhanh tiến độ rà soát thủ tục hành chính trong năm 2013, niêm yết công khai thủ tục hành chính tại những cơ quan hành chính và thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại của cử tri trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại cấp xã, phường.
Quan trọng hơn nữa là vấn đề cán bộ, đề nghị các cấp chính quyền tăng cường những cán bộ tốt, có năng lực làm ở những nơi đang nóng vấn đề đất đai, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Câu hỏi thứ hai của ĐB Thuyền về trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo chống tham nhũng và tiêu cực, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ là cơ quan hành pháp quản lý toàn diện đất nước, mỗi một thất thoát, một hiện tượng tiêu cực trong xã hội đều có trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Chính phủ đã nhận thức và phân công, phân cấp việc xử lý giải quyết, đặc biệt có chương trình quản lý hiệu quả hơn hoạt động của các Tập đoàn, TCty nhà nước để phát huy hiệu quả nguồn lực này, chống thất thoát, lãng phí.
Về câu hỏi của ĐB Phạm Tất Thắng rằng nền kinh tế đất nước đã qua giai đoạn khó khăn nhất trong khủng hoảng kinh tế chưa, Phó Thủ tướng trả lời: " Tôi xin trả lời rằng chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn. Cụ thể, thời gian qua (quý I), tăng trưởng thấp (4%), nhiều doanh nghiệp giải thể, nhưng quý 2, tăng trưởng đã khá hơn, doanh nghiệp giải thể ít hơn, hàng tồn kho ít hơn. Căn cứ vào những tiêu chí đánh giá, nền kinh tế đất nước đã bước đầu có những dấu hiệu khả quan. Có thể nói chúng ta đã qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu hồi phục.
Nghị quyết 13 đặt ra gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng, lãi suất huy động 9%, lãi suất vay không quá 13%, tới đây, chúng ta sẽ phát hành trái phiếu CP với trị giá khoảng 21.000 tỉ đồng, nhằm tạo động lực hỗ trợ cho sản xuất, nhưng cũng dễ làm cho lạm phát trở lại.
Nhưng mục tiêu của Chính phủ là không để lạm phát quay trở lại, chúng ta đặt mục tiêu lớn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, là mục tiêu nhất quán trong sự điều hành của Chính phủ thời gian tới. Tăng trưởng tới đây có thể ở mức 6%, lạm phát từ 7 – 8%".
Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Thị Quốc Khánh về đề án tái cơ cấu nền kinh tế còn nhiều điểm thiếu khả thi, chưa thuyết phục được ĐBQH, Phó Thủ tướng khẳng định là Chính phủ đã có nhiều cố gắng để xây dựng và trình QH đề án này.
"Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã đánh giá sự công phu đề án này và QH sẽ thông qua đề án trong kỳ họp này. Chúng tôi sẽ hoàn thiện các biện pháp mà đồng chí cho là chưa khả thi, để sớm đưa đề án này vào thực hiện", Phó Thủ tướng đáp.
Với câu hỏi chính sách liên kết 4 nhà để hỗ trợ nhà nông của ĐB Lê Quang Hiệp, Phó Thủ tướng giải đáp, theo Nghị định 80, sắp tới Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm để việc liên kết 4 nhà tốt hơn, tránh trung gian, thương lái ép giá nông dân.
Ngoài ra sẽ phải tăng cường xúc tiến thương mại, chủ động các mặt hàng, giải quyết tốt yêu cầu của thị trường, tạo điều kiện phát triển các mặt hàng chủ lực của nước ta. “Kinh nghiệm từ quả dứa tới quả dừa bị tư thương ép giá sẽ cho chúng ta những bài học quý, để tránh thiệt hại cho nông dân thời gian tới”, Phó Thủ tướng nói.
Về câu hỏi của ĐB Trần Du Lịch về tập đoàn, TCty, vì sao chưa công khai minh bạch hoạt động của Tập đoàn, TCty, theo Phó Thủ tướng, tất cả các tập đoàn, TCty phải công khai, minh bạch, việc chậm trễ thời gian quan cũng có lý do. Nhưng sắp tới sẽ phải công khai như Cty niêm yết trên sàn chứng khoán để giám sát.
"Về nợ xấu của các ngân hàng thương mại, công nhận là có một phận của các Tập đoàn, TCty nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát tiền trong thời gian qua, nhưng tỉ lệ không phải là cao. Không phải là nguyên nhân chính của nợ xấu", Phó Thủ tướng cho hay.
ĐB Trần Du Lịch đề xuất: "Chính phủ nên nghiên cứu lại phương thức thu phí phương tiện giao thông đường bộ theo Phó Thủ tướng trình bày thì đúng luật. Nhưng theo tôi, đánh thuế vào phương tiện cơ giới, dù có hợp lý nhưng không hợp tình nên đề nghị CP nghiên cứu và bỏ phương thức thu này".
Sau giờ giải lao, các vị đại biểu tiếp tục chất vấn Phó Thủ tướng.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chất vấn về công tác cán bộ và kỷ cương kỷ luật của cán bộ khi thực thi công vụ. Nguyên nhân của thực trạng này?
ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) hỏi: Có nên ban hành luật Trọng dụng nhân tài để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước?
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) hỏi: Đường Quốc lộ 1 (QL 1) đang rất chật hẹp, nhiều chỗ xuống cấp, nhất là khu vực miền Trung. Việc nâng cấp QL 1 bao giờ mới được triển khai góp phần đẩy mạnh công cuộc phát triển?
ĐB Trần Đình Long (Đăk Nông) hỏi: Đầu tư công cho tam nông có mặt được nhưng có mặt hạn chế. Đây là một trong những nhiệm vụ chiến lược của chúng ta. Vì sao sự đầu tư cho tam nông với tốc độ và quy mô chậm chạp như vậy. Bao giờ rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn?
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế): Cuối năm 2010, khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ KH - ĐT Võ Hồng Phúc bảo vô can khi Vinashin thất thoát. Hôm trước, Bộ trưởng đương nhiệm Bùi Quang Vinh cũng bảo không biết chuyện Vinalines thất thoát? Vậy trách nhiệm của các bộ trong việc thất thoát tiền Nhà nước tại các tập đoàn, TCty nhà nước ra sao?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời tiếp:
Về câu hỏi của ĐB Nguyễn Thái Học, Phó Thủ tướng thống kê, cả nước có trên 2,8 triệu cán bộ công chức kể cả lực lượng vũ trang. Đa số cán bộ công chức có bản lĩnh chính trị, có ý thức tổ chức kỷ luật, được đào tạo chuyên môn, chính trị... Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém. Đó là năng lực, trình độ của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Kỷ luật, kỷ cương thấp, trách nhiệm chưa cao, trì trệ, chậm đổi mới. “Một bộ phận không nhỏ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, tiêu cực làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước”, như Hội nghị TƯ 4 đã kết luận. Văn hóa công sở chưa đạt yêu cầu. Công tác tuyển dụng, thi tuyển, bổ nhiệm còn nhiều bất cập.
Phó Thủ tướng đề ra các giải pháp, đó là: Rà soát lại các văn bản pháp luật, nhất là về đánh giá thi cử để sàng lọc đội ngũ cán bộ; kiên quyết loại bỏ những cán bộ công chức vi phạm, làm mất uy tín của cán bộ Nhà nước, đồng thời, đang làm đề án cải cách quản lý cán bộ công chức, trong đó có mô tả cụ thể công việc để xác định năng lực làm việc của mỗi cán bộ công chức; cải cách chính sách tiền lương; thanh tra công vụ một cách nghiêm túc và thường xuyên.
"Theo tôi, cán bộ công chức cần nâng cao năng lực trí tuệ, năng lực hành động sát với thực tiễn, không sợ trách nhiệm, không sợ mất chức, mất ghế. Nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, lắng nghe nhân dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về câu hỏi của ĐB Lê Thanh Vân, Phó Thủ tướng trả lời: "Chúng ta vừa tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, lãng phí. Trên tinh thần đó, tôi xin tán thành ý kiến ĐB. Có một quy định, giám sát chặt chơn nữa để không lọt cán bộ tham nhũng và cần có Luật trọng dụng nhân tài. Chúng tôi xin tiếp thu và hoàn chỉnh công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới".
Trước vấn đề nâng cấp QL 1, Chính phủ rất coi trọng. Cần biết là đây là con đường xảy ra tỉ lệ tai nạn giao thông (TNGT) cao nhất nước, chiếm hơn một nửa số vụ TNGT trong cả nước. Chính phủ đã đồng ý phải đẩy nhanh việc nâng cấp QL 1.
Một số gói thầu quan trọng đã được triển khai như Hà Nội - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Ninh Bình - Thanh Hóa, theo dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016 với quy mô 4 làn xe đường QL 1 đoạn từ Hà Nội tới Cần Thơ. Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư và các địa phương đẩy mạnh việc giải phóng mặt bằng, nâng cao chất lượng công trình.
Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Đình Long, theo Phó Thủ tướng, sau Nghị quyết 26 của hội nghị lần thứ 7 ban chấp hành TƯ về đầu tư cho tam nông, tổng mức đầu tư đã tăng gần 2 lần, trong tình hình tín dụng âm, đầu tư vào tam nông vẫn dương.
Thời gian tới sẽ đẩy mạnh hơn, khắc phục những hạn chế, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và nhân dân vào khu vực nông thôn. Một số công trình trọng điểm như đường ô tô vào xã được đẩy nhanh đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào nông thôn.
Về ý kiến của ĐB Đồng Hữu Mạo, trách nhiệm của các Bộ về thất thoát tại các tập đoàn Nhà nước, Phó Thủ tướng giải đáp: "Xin báo cáo rằng, theo quy định của pháp luật, các bộ tổng hợp và chuyên ngành đều có trách nhiệm trong việc thất thoát tài sản, vốn của Nhà nước. Thời gian tới, sẽ tăng cường trách nhiệm hơn nữa. Ngày mai, Thủ tướng sẽ nghe và xem xét Nghị định 132 sửa đổi để làm rõ trách nhiệm chủ sở hữu vốn Nhà nước".
ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu: Về hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được cấp phép. Nhưng sau đó, văn phòng chính phủ lại khống chế việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo không quá 100 đầu mối. Đến nay, số lượng doanh nghiệp gửi giấy phép được xuất gẩu gạo đã gần 100 mà vẫn còn nhiều doanh nghiệp muốn xin phép. Chính phủ sẽ chỉ đạo vấn đề này thế nào trong thời gian tới?
ĐB Nguyễn Thị Huệ (Đắc Lắk): Chính phủ đã quan tâm tới lĩnh vực tam nông, đặc biệt là nông dân, vừa qua có chủ trương về giảm tổn thất sau thu hoạch cho nông dân, nhưng để người dân tiếp cận nguồn vốn tại ngân hàng thì rất khó? Chính phủ có giải pháp gì để nông dân tiếp cận vốn dễ hơn?
ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu): Việc quản lý lỏng lẻo của nhà mạng như tin nhắn rác, lừa đảo trên điện thoại sẽ giải quyết như thế nào?
Phó Thủ tướng trả lời:
Vấn đề xuất khẩu gạo là thế mạnh của ta, Chính phủ có Nghị định về quy định đầu mối xuất khẩu gạo, là cơ sở pháp lý quan trọng để có đầu mối đủ năng lực. Hiện Chính phủ chưa biết thông tin mà ĐB Mai Thị Ánh Tuyết cung cấp, sau đây Chính phủ sẽ chỉ đạo kiểm tra, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật. Phải làm sao để tránh tình trạng 'trăm hoa đua nở' để người nông dân có được giá thu mua hợp lý nhất.
Về câu hỏi của ĐB Phạm Thị Chung (Kon Tum) trong việc đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn, cụ thể là ở Kon Tum, Phó Thủ tướng trả lời, ở Việt Nam có 36 triệu lao động nông thôn, nhưng số được học nghề rất ít, chủ trương của Chính phủ mỗi năm đào tạo 1 triệu người học nghề.
"ĐB nêu tình trạng "nhiều huyện chưa có trung tâm dạy nghề, có rồi nhưng không có thầy gây lãng phí", chúng tôi sẽ giao Bộ LĐTBXH kết hợp với tỉnh kiểm tra, xử lý, làm sao để đảm bảo chính sách của Chính phủ được triển khai tốt, giúp nông dân có nghề", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhận định, vấn đề ĐB Nguyễn Thị Huệ nêu về giảm tổn thất sau thu hoạch là vấn đề rất lớn, chương trình lớn và Bộ NN- PTNT phải có nghiên cứu sâu hơn để giúp nông dân tránh được tổn thất sau thu hoạch với gạo, cà phê, tiêu, điều....
Còn về vấn nạn tin nhắn rác, Phó Thủ tướng cho hay, đã có luật viễn thông nên đối tượng nào vi phạm sẽ xử lý hình sự. Cần tăng cường xử lý, hạn chế sim tự do như hiện nay, đồng thời đề nghị Bộ trưởng TT-TT cần thực hiện nghiêm vấn đề này.
Sau phiên chất vấn của các ĐBQH với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu tổng kết 2,5 ngày chất vấn tại QH.
Chủ tịch Quốc hội nhận định, các ĐBQH đã nêu rõ câu hỏi, đi thẳng vào vấn đề, các thành viên Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận rõ trách nhiệm liên quan thuộc phần quản lý của mình.
Đồng thời, cũng lưu ý một số vấn đề như quản lý đất đai, chính sách giá cả, quy hoạch khu công nghiệp, phát triển kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và lạm phát…, trong đó nhấn mạnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hớp với Thanh tra chính phủ và UBND các tỉnh tập trung giải quyết các vụ khiếu kiện đất đai dư luận quan tâm, công bố công khai kết quả trên các phương tiện truyền thông, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên…
Bộ Kế họach và Đầu tư cần tập trung nguồn lực tổng hợp hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu QH đã đặt ra (kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý).
Về lĩnh vực Công thương, cần giám sát kiểm tra vấn đề tồn tại tại các tập đoàn, tổng công ty, góp phần điều tiết thị trường, hoạt động hiệu quả. Thực hiện lộ trình cạnh tranh, chống độc quyền như điện, phân bón…, rà soát quy hoạch ngành điện, thủy điện…
Về an ninh, phải tạo được sự chuyển biến tích cực về phòng chống tệ nạn, tội phạm từ nay đến hết năm, xây dựng lực lượng trong sạch, đáp ứng niềm tin của nhân dân...
Hải Phong - P.V