Đối mặt với thách thức
Khoảng 5-6 năm trở về trước, do tâm lý bệnh nhân mắc bệnh thường ngại đến bệnh viện để khám, chữa sớm nên nguồn lây bệnh lao ở Hải Phòng khá lớn. Trên thực tế, Bệnh viện Lao-Phổi Hải Phòng phát hiện và điều trị lượng bệnh nhân từ 1.800-1.900 bệnh nhân/năm, nhưng con số chưa phát hiện được đánh giá là "còn lớn hơn nhiều".
Bác sĩ Hà Quế (BV Lao - Phổi Hải Phòng) khám cho bệnh nhân. |
Đến Bệnh viện Lao - Phổi, chúng tôi ấn tượng nhất với khu điều trị dành cho bệnh nhân lao nhiễm HIV bởi số lượng bệnh nhân khá lớn (hơn 20 người). Anh N.H.M- người đã điều trị ở đây 3 tháng cho biết: "Đã nhiễm HIV, đời tôi coi như bỏ đi, mắc thêm căn bệnh lao chết người này nữa thì cũng chẳng muốn chữa chạy. Nhưng nghĩ mình ở nhà cũng chẳng làm được gì, lại lây bệnh cho người khác nên vào đây".
Bác sĩ Nguyễn Thị Hà Quế - Trưởng khoa Khám bệnh của Bệnh viện Lao - Phổi cũng chia sẻ thêm: Bác sĩ điều trị bệnh lao vất vả và chịu áp lực với việc tiếp xúc với bệnh nhân. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất ân cần, nhẹ nhàng để bệnh nhân hợp tác điều trị bệnh…
Theo bà Quế, nhiều bệnh nhân có HIV hoặc bệnh nặng đến, họ có thái độ nóng nảy và bất cần, thậm chí chửi bới bác sĩ khám. "Có lẽ do đặc thù của bệnh nên không ít người đã ngại đến với chúng tôi. Nhưng khi đã tiếp xúc và được trang bị kiến thức thì cách nhìn nhận cũng được thay đổi"- bác sĩ Hà Quế nói.
Hiệu quả từ mạng lưới tuyến
Điều đáng mừng là bệnh nhân lao ở Hải Phòng sau khi được phát hiện, điều trị thì số khỏi bệnh chiếm tỷ lệ cao, đạt 91-92%. Bởi vậy, điều quan trọng nhất ở Hải Phòng không phải là điều trị mà chính là phát hiện bệnh nhân, hạn chế nguồn lây trong cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Thấu - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao - Phổi cho biết, ý thức được điều này, từ năm 1980 mạng lưới chống lao ở Hải Phòng đã có ban chỉ đạo chung và đã triển khai công tác chỉ đạo tuyến, tăng cường củng cố mạng lưới chống lao cho các tuyến quận, huyện, thị xã; từ đó triển khai xuống tuyến xã, phường.
Qua mạng lưới này, cứ bệnh nhân lao nào được phát hiện sẽ được cung cấp gói điều trị DOTS (điều trị ngắn hạn có kiểm soát trực tiếp). Phòng y tế huyện cũng thường xuyên kiểm tra giám sát các xã, phường. Đặc biệt, cán bộ y tế còn đến tận nhà thăm hỏi bệnh nhân lao tại nhà, nên một số bệnh nhân đã tham gia điều trị trở lại.
Nhiều năm gắn bó với nghề, bác sĩ Thấu chia sẻ: "Những người ở cơ sở đóng vai trò chủ chốt, bởi họ gần người bệnh nhất. Vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân cùng tham gia tầm soát bệnh lao". Thực tế, cán bộ Hội Nông dân ở một số xã nắm bắt con số người mắc bệnh lao rất rõ nên đã tham gia vận động bà con đi khám bệnh. Vì thế, từ năm 2010, số bệnh nhân tới điều trị tại bệnh viện đã lên tới 2.300 người/năm.
Anh Bùi Văn Nam từng điều trị lao ở An Dương (Hải Phòng) bày tỏ: "Tôi được Hội Nông dân xã vận động đi khám bệnh. Khi được quan tâm và chia sẻ, tôi chuyển biến tích cực về nhận thức, tự tìm đến tuyến điều trị bệnh lao. Theo tôi, việc điều trị tâm lý cho người bệnh là yếu tố quan trọng để bệnh mau khỏi".
Trần Phượng