Dân Việt

Thế giới tuần qua: Rộ lên cuộc chạy đua vũ trang ngầm?

17/06/2012 06:19 GMT+7
Dân Việt - Iran tự sản xuất tàu ngầm, Nga, Israel, Venezuela bắt tay sản xuất máy bay không người lái, Syria sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới… Phải chăng các nước đang ngấm ngầm chạy đua vũ trang?

Thi nhau… “lên đời”

Vẫn trong tư thế kiên quyết bảo vệ chương trình hạt nhân gây tranh cãi, Iran lại tiếp tục khiến các cường quốc phương Tây “nóng mắt” khi tuyên bố, Tehran đã thực hiện những bước đi đầu tiên nhằm sản xuất tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên.

img
Hai tàu ngầm Ghadir nội địa của Iran

Hãng thông tấn Fars dẫn lời Đô đốc Abbas Zamini hôm 12.6 đưa tin, Hải quân Iran có kế hoạch xây dựng một đội tàu ngầm năng lượng hạt nhân siêu mạnh trong tương lai.

Ông Zamini cũng bày tỏ lạc quan rằng, Hải quân Iran sẽ có thể đưa thế hệ tàu ngầm hạt nhân nội địa vào hoạt động trong khoảng thời gian không xa nữa.

Kế đến, hôm 14.6, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho biết, nước này đã trình làng chiếc máy bay không người lái đầu tiên và có kế hoạch sớm xuất khẩu mặt hàng này.

Được biết, máy bay do các kỹ sư Venezuela chế tạo với sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Nga, Trung Quốc và Iran.

Cũng với mặt hàng máy bay không người lái, Nga đang ấp ủ một kế hoạch hợp tác công nghệ tham vọng với Israel. Theo đó, máy bay vừa được sử dụng cho quân đội hai nước vừa để xuất khẩu.

Trong khi đó, bản thân chính phủ Nga cũng mới công bố phân bổ 4.000 tỷ rúp cho Không quân nước này vào năm 2020 để phát triển máy bay chiến đấu.

Cùng ngày, 14.6, Trung Quốc – một đồng minh thân thiết của Nga – khẳng định, Bắc Kinh đã phát triển thành công loại động cơ trang bị cho thế hệ tên lửa đẩy mới. Trước họ, mới chỉ có Nga làm được điều này.

Tới nay, cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria vẫn là đề tài nóng trên các trang báo và là nguyên nhân gây chia rẽ giữa các nước lớn.

Vấn đề an ninh và nguy cơ của một nội chiến tại Syria càng trở nên đáng quan ngại khi Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel, Yair Naveh lên tiếng cảnh báo, Syria sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, ông Naveh nhấn mạnh, tên lửa của Syria có khả năng chạm tới mọi mục tiêu trên lãnh thổ Israel.

Vẫn chưa hết, một số quốc gia khác trên thế giới cũng đang tích cực hòa vào cuộc đua “lên đời” quân sự. Có thể đến như chuyện Hàn Quốc đề nghị mua một loạt vũ khí tối tân của Mỹ trong đó có bom chùm và tên lửa đạn đạo. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo kế hoạch chi 4 tỷ USD cho hệ thống tên lửa tầm xa.

Mùa tập trận

Đúng như tuyên bố từ trước, Nga đã mở màn mùa tập trận với cái bắt chặt với Pháp và Ấn Độ.

Hôm 15.6, Hải quân Nga và Pháp đã bắt đầu cuộc tập trận chung Passex, trong khuôn khổ một chương trình hợp tác quân sự, trên biển Barents. Mục đích của hoạt động là nhằm tăng cường khả năng đối phó của tài chiến hai nước trước các cuộc tấn công từ cano cao tốc, rèn luyện tính chiến đấu trên mặt nước, huấn luyện thông tin liên lạc.

Cùng ngày, hãng thông tấn chính thức Interfax của Nga đưa tin, Moscow và New Delhi sắp diễn tập chống khủng bố Indra-2012 vào tháng Tám tới tại thao trường quân khu đông thuộc Cộng hòa Buryatia.

Được biết, cuộc tập trận sẽ huy đọng hơn 500 binh sỹ và 50 thiết bị quân sự của cả hai nước.

Trước đó, hồi cuối tháng Năm, quân đội Nga tuyên bố sẽ tổ chức hơn 1.000 hoạt động diễn tập chiến lược quân sự trong và ngoài nước với các quy mô khác nhau trong khoảng thời gian từ tháng Sáu đến tháng Mười.

Một diễn biến quân sự đáng chú ý tuần qua là thông tin về cuộc tập trận hải quân chung kéo dài 2 ngày (21-22.6) giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hãng thông tấn chính thức Yonhap của Hàn Quốc cũng đưa tin, cuộc tập trận sẽ được tổ chức ở khu vực ngoài khơi hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Jeju, miền nam nước này.

Tân Hoa Xã cho hay, ngay sau cuộc tập trận này, Mỹ sẽ tiến hành thêm một “chiến dịch tàu sân bay thường kỳ” với Hải quân Hàn Quốc trên Hoàng Hải từ 23-25.6.

Phản ứng trước thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giáo Trung Quốc Lưu Vi Dân cho rằng, cuộc tập trận Mỹ - Hàn Quốc – Nhật Bản sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực bán đảo Triều Tiên.