Hơn 70% người dân ưu tiên dùng hàng Việt (năm 2012) là một trong những kết quả bước đầu đáng ghi nhận của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên tại miền Trung - Tây Nguyên, con đường cho hàng hoá Việt đến với người tiêu dùng Việt còn gặp nhiều khó khăn.
Chưa tương xứng tiềm năng
Trong 10 tháng đầu năm 2012, một số mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp thế mạnh của các địa phương miền Trung - Tây Nguyên, như cao lanh, cát tự nhiên, chè, cà phê bột, hạt điều chế biến, gỗ chế biến, tinh bột sắn, sản phẩm may mặc..., có sản lượng tăng khá so với cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và kinh doanh dịch vụ của toàn vùng tăng 20,54% so với cùng kỳ năm 2011. Các tỉnh có tổng mức lưu chuyển hàng hóa dịch vụ tăng cao là Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đăk Lăk, Lâm Đồng…
Cần xây dựng tốt thương hiệu để hàng hoá nông thôn vào được các kênh phân phối lớn. |
Tuy nhiên, theo Cục Công nghiệp địa phương, hiện nay quy mô sản xuất công nghiệp của khu vực miền Trung - Tây Nguyên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng; công tác quy hoạch chưa đồng bộ, hiệu lực; hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch chưa cao; công tác phối hợp trong xúc tiến thương mại còn hạn chế. Từ đó dẫn tới chưa thực sự hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp trong quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu, đặc biệt là việc tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp nông thôn…
Hiện nay tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tập trung vào 4 nhóm: Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhóm nông – lâm - thủy sản - đồ uống; nhóm sản phẩm máy móc, thiết bị, cơ khí và nhóm các sản phẩm khác. Đó là những sản phẩm xuất sắc, đặc trưng của địa phương. Tuy vậy, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp nông thôn thường là những doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn và xây dựng thương hiệu.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Ông Lê Phước Hoà - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, ngoài khó khăn trong việc tiếp cận vốn, kỹ thuật, công nghệ thì việc tạo thị trường đầu ra còn đang gặp lúng túng do doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có thủ tục pháp lý, chưa xây dựng được thương hiệu, phương thức thu mua và thanh toán giữa doanh nghiệp và kênh phân phối đang còn nhiều rối rắm chưa tinh gọn.
Ông Phan Văn Kha - Giám đốc Sở Công Thương TP.Đà Nẵng cho biết: Tại Đà Nẵng, rau an toàn được bà con nông dân trồng từ 10 năm nay. Nhưng tại các siêu thị trên địa bàn, mặt hàng rau của địa phương được bày bán rất ít. Giải thích về điều này, ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Công ty TNHH TMDV Siêu thị Co.opMart Đà Nẵng, cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến việc một số sản phẩm công nghiệp nông thôn chưa được chấp nhận tại các siêu thị là do quy mô sản xuất nhỏ, không đảm bảo được nguồn hàng thường xuyên, nhiều DN chưa đảm bảo quy trình chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký tem nhãn...
Đại diện cho kênh phân phối Metro, BigC, Co.opMart cũng thống nhất, cần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, bởi khi hàng vào siêu thị bắt buộc phải có thương hiệu và có kiểm định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi để khai thác đặc sản tại mỗi vùng miền, đặc biệt sẽ bắt tay với các hợp tác xã tại địa phương tạo ra các sản phẩm đặc trưng có thương hiệu riêng để liên kết thành chuỗi cung cấp cho thị trường siêu thị trong và ngoài nước.
Đình Thiên