Dân Việt

Đỗ cao chót vót mà không mừng

19/06/2012 06:41 GMT+7
(Dân Việt) - Kết quả thi tốt nghiệp THPT cao chót vót vừa được các sở GDĐT công bố đã không làm cho dư luận vui mừng. Ngược lại, niềm tin về một kỳ thi “an toàn, nghiêm túc” như đánh giá của Bộ GDĐT càng thêm nhạt nhòa...

Hàng trăm trường “cán đích” 100%

Đúng như dự đoán của các chuyên gia giáo dục sau vụ tiêu cực thi tốt nghiệp tại Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang), đã có hàng trăm trường THPT công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100% và chưa có một sở GDĐT nào có con số tốt nghiệp dưới 95%, thậm chí với các trường dân lập, giáo dục thường xuyên (GDTX), tỷ lệ đỗ cũng cao ngất ngưởng.

img
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2012 tại Hà Nội.

Điển hình, TP.Hải Phòng có tỷ lệ đỗ 99,82% ở hệ THPT, hệ GDTX cũng không thua kém với tỷ lệ 99,12%. Đặc biệt số trường đạt 100% học sinh đỗ tốt nghiệp lên đến 41/56 trường. Tương tự, TP.Đà Nẵng có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 99,53% hệ THPT và 87,11% hệ GDTX, có 10/20 trường đạt tỷ lệ 100%; Lâm Đồng đạt 99,28% đỗ tốt nghiệp, với 28/58 trường đỗ 100%.

Thậm chí, những tỉnh nhiều năm trước có kết quả đỗ tốt nghiệp rất khiêm tốn nay cũng “vỗ ngực tự hào” với tỷ lệ đỗ cao nhất trong 10 năm qua, như tỉnh Hậu Giang đạt 99,87% hệ THPT, với 18/22 trường tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%.

Ngay cả Bắc Giang - nơi xảy ra hiện tượng gian lận thi cử một cách trắng trợn, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng lên tới 99,04% hệ THPT và 99,01% hệ GDTX. Toàn tỉnh này cũng có đến 24 trường THPT đạt tốt nghiệp 100%.

Cô Nguyễn Thị Hương - giám thị coi thi tại hội đồng thi một Trung tâm GDTX ở tỉnh Thái Bình chua chát nói: “Nhiều học sinh của hệ này vào phòng thi, giám thị có cho chép cũng chẳng biết chỗ nào mà chép. Việc tỷ lệ đỗ cao ở khối trường này không phản ánh được thực chất”.

Điều đáng nói là ở Bắc Giang, cách đây 5 năm (năm 2007)- khi cuộc vận động "Hai không" và cải cách thi cụm, chấm chéo của ngành giáo dục mới được đưa vào thử nghiệm, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chỉ khiêm tốn ở mức 60,56% đối với hệ THPT và 14,64% đối với hệ GDTX.

Và trong số 20 trường THPT của tỉnh này có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp dưới 50% thì hầu hết các trường dân lập, GDTX nằm trong danh sách. Trường THPT dân lập Đồi Ngô năm đó chỉ đạt tỷ lệ đỗ 6,29%, nhưng năm nay, mặc dù tỷ lệ đỗ thấp nhất tỉnh thì cũng với kết quả khá đẹp 78,39%.

Theo giải thích của bà Trương Thị Bé Hai - Giám đốc Sở GDĐT Vĩnh Long cho biết: "Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao là đúng với thực chất vì năm nay các trường THPT tổ chức ôn tập cho các em khá tốt, mặt khác đề thi năm nay cũng được đánh giá là khá dễ".

Tuy cũng cho rằng tỷ lệ đỗ cao có phần do đề dễ nhưng ông Nguyễn Hoài Chương - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP. HCM phải thừa nhận: "Riêng đối với tính chất đào tạo và đầu vào của hệ GDTX thì con số đỗ tốt nghiệp xấp xỉ 99% như nhiều tỉnh vừa đưa ra gần như là... không tưởng, khiến nhiều người phải giật mình”.

Đánh giá không đủ qua một kỳ thi

Sau kết quả này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng: Kỳ thi tốt nghiệp đã không còn ý nghĩa và việc tiếp tục duy trì nó chỉ làm cho học sinh, phụ huynh và Nhà nước thêm tốn kém. Trao đổi với PV Báo NTNN, thầy Trần Đăng Khánh - giáo viên một trường THPT tại TP.HCM cho rằng:

"Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì nó không cần thiết, học sinh đã học đủ 12 năm, sau khi học xong thì nên cấp cho các em chứng nhận đã học xong chương trình phổ thông và đủ điều kiện để thi vào đại học nếu các em muốn".

Quảng Ngãi: “Trường 0%” đạt tỷ lệ đỗ 100%

Ngày 18.6, Sở GDĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012 của tỉnh đạt 99,79%, tăng 1,22% so với năm trước. Có 38/51 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%, trong đó có Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Sơn Tây). Trường này từng có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 0% vào năm học 2006-2007.

PGS - TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT thì cho rằng không nên xem kỳ thi tốt nghiệp THPT là "bảng chuẩn" cho chất lượng giáo dục.

Bởi theo ông: "Tính chất các bài thi chỉ để đánh giá vài môn, mỗi môn chỉ "nhấn" vào vài vùng kiến thức, không thể nói đại diện hết cho chất lượng đào tạo. Chưa kể các đề thi hiện nay chủ yếu đòi hỏi kiến thức chứ ít bộc lộ được kỹ năng. Trong khi đó để vào đời, cái cần nhất lại là kỹ năng, suy nghĩ nhanh không, quyết định chính xác không?...”.

Còn PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) thì cho rằng:

"Chỉ cần tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp nhẹ nhàng như thi học kỳ của lớp 11, 12, nhưng nghiêm túc hơn, học sinh nào đạt loại nào thì cấp bằng tốt nghiệp loại ấy chứ đừng nên duy trì một kỳ thi mà 1.000 học sinh chỉ cốt loại ra 1 em”.

Đồng quan điểm, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng: “Cần phải thay đổi nhận thức về kỳ thi này. Theo tôi, có thể làm tốt đánh giá trong quá trình học của học sinh chứ không phải trong một kỳ thi”.