Lễ đón nhận bằng danh hiệu Di sản văn hóa thế giới của UNESCO cho Thành nhà Hồ được chính quyền và nhân dân Thanh Hóa tổ chức trọng thể và linh đình.
Trên sóng VTV1 và VTV4 tối 16.6, nhân dân cả nước và người VN ở nước ngoài đều có thể chứng kiến trực tiếp buổi lễ long trọng này.
Diễn văn đã được đọc, bằng đã được trao, một màn sân khấu hóa phục dựng toàn bộ cảnh xây dựng Thành nhà Hồ đã được diễn ra với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ. Pháo hoa được bắn lên bầu trời Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), nơi có hàng vạn người dân đổ về xem buổi lễ - dù không được vào gần khán đài - với những lời trầm trồ: “Đúng là ngàn năm có một”.
Ba chiếc cổng giả bịt kín cổng thành đá 600 năm - Ảnh: THU HÀ |
Ngàn năm thì chưa đến, nhưng Thành nhà Hồ đã 600 năm trơ gan cùng tuế nguyệt, từ thuở Hồ Quý Ly - nhà cải cách vĩ đại và bất hạnh trong lịch sử VN - nung nấu rồi thực hiện giấc mộng dời đô từ Thăng Long, mảnh đất đế vương không chấp nhận những tư tưởng mới mẻ phóng khoáng của ông.
Được công nhận là di sản văn hóa thế giới, Thành nhà Hồ có những giá trị độc đáo và duy nhất về nhiều phương diện. Các cung điện, dinh thự trong khu vực thành đã bị phá hủy, di tích còn lại hiện nay là bốn cổng thành bằng đá cuốn vòm, tường thành và đặc biệt là di tích đàn tế Nam Giao còn khá nguyên vẹn. Trong các phế tích đáng chú ý có nền chính điện chạm một đôi tượng rồng đá rất đẹp dài 3,62m.
Thành Tây Đô thể hiện một trình độ rất cao về kỹ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng 10-20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào. Trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành vẫn đứng vững (trích hồ sơ di sản).
Nhưng trong lễ nhận bằng trang trọng đình đám ấy, người dân không hề được chiêm ngưỡng những giá trị vượt thời gian của tòa thành huyền thoại. Cửa nam, cửa chính còn nguyên vẹn ba vòm cuốn bằng đá đã bị bịt lại để làm... sân khấu. Chưa đủ, để sử dụng màn hình LED, người ta còn dựng lên một tấm phông bằng chất liệu tổng hợp, trên đó... vẽ ba vòm cuốn giả.
Tại phế tích chính điện có đôi rồng đá hơn 3m thì vì không bê lên bậc sân khấu được, người ta mô phỏng đôi rồng đá ấy bằng... bìa cactông phủ sơn giả đá, ngay hai bên bậc thang lên sân khấu, ống kính truyền hình tha hồ chĩa vào mỗi khi có quan khách lên đọc diễn văn. Nhân dân cả nước và bạn bè bốn phương chưa một lần đến Thành nhà Hồ chắc chắn tưởng cổng thành ấy, rồng đá ấy là... đồ thật.
Chưa hết, “dịch” làm đồ giả còn lan đến cả hồ sen. Trên những thửa ruộng vừa phải đàm phán với bà con vì hoa màu chưa kịp thu hoạch, ban tổ chức đã cho lót tấm bạt, đổ nước và cắm vô số... hoa sen giả. Những đóa sen giả to đùng như cái quạt, lá như cái chiếu, xanh lét phản cảm mà quan khách ai nhìn cũng lắc đầu, chỉ ban tổ chức là không hiểu.
Rất nhiều nhà khoa học chuyên nghiên cứu, bảo tồn di sản đã cảnh báo: được công nhận di sản đã khó, giữ được danh hiệu còn khó hơn. Di sản, khác với tất cả mọi thực thể vật chất tồn tại khác, không chấp nhận làm giả, làm mới. Đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho Thanh Hóa về việc giữ gìn di sản Thành nhà Hồ, về ý đồ phục dựng đàn tế Nam Giao.
Qua lễ đón danh hiệu với những đồ giả tràn ngập này, rõ ràng giới chuyên môn và người yêu di sản có quyền lo ngại về những quan điểm bảo tồn di sản của những người đang được giao trọng trách quản lý Thành nhà Hồ.
Yên tâm sao được khi ngay từ buổi lễ nhận bằng, một giá trị thật đã được tôn vinh bằng những đồ giả!