Dân Việt

Quảng Nam: Hiệu quả từ mô hình cánh đồng mẫu

13/07/2012 06:17 GMT+7
(Dân Việt) - Năm 2011, 90ha đất lúa của xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn được Trung tâm KNKN Quảng Nam chọn xây dựng “cánh đồng mẫu” đầu tiên của tỉnh. Vụ lúa đầu tiên đã cho năng suất rất cao so với cánh đồng bình thường. Từ thành công này, phong trào dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu phát triển mạnh ở Quảng Nam.

Tại cánh đồng mẫu rộng 90ha của xã Điện Thọ, Trung tâm KNKN tỉnh đã phối hợp tốt kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, sử dụng công cụ sạ hàng, vừa giảm chi phí vật tư vừa tăng được năng suất lúa, chất lượng gạo.

img
Máy móc thay nông cụ để sản xuất, thu gặt tại cánh đồng mẫu.

Nông dân Mai Tấn Hùng (xã Điện Thọ) cho biết: “Trước đây, nông dân ở đây làm lúa đơn giản lắm. Thu hoạch xong thì cày giập, gieo mạ rồi cấy tiếp. Do hai vụ cấy liền nhau, giống không được chọn lọc kỹ, ruộng ít được thau chua rửa mặn nên lúa dễ bị nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp. Khi xây dựng cánh đồng mẫu, nông dân được hướng dẫn làm theo quy trình sản xuất khoa học, thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, thống nhất từ khâu làm đất, gieo mạ, xuống giống, điều tiết nước, phòng trừ sâu bệnh, ruộng được cấy cùng loại giống, cùng chế độ chăm sóc, từ đó cho năng suất cao hơn”.

Theo ông Võ Văn Nghi -Phó Giám đốc Trung tâm KNKN Quảng Nam, áp dụng phương thức sạ hàng đã giảm lượng giống gieo sạ trên mỗi ha từ 50 - 60kg so với cánh đồng thường. Nếu tính cho diện tích lúa cả năm của tỉnh sẽ giảm được 4.000 tấn, tương đương trên 50 tỷ đồng. Trong khi đó, năng suất bình quân của cánh đồng mẫu đạt 66 tạ/ha, cao hơn ruộng sản xuất đại trà 4 tạ/ha, mỗi ha lãi ròng 7,3 triệu đồng so với ruộng sản xuất đại trà áp dụng kỹ thuật thâm canh bình thường.

“Ngoài ra, còn giúp nông dân giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng lúa thất thoát trong thu hoạch, giảm được công lao động và giảm áp lực về lao động trong sản xuất lúa vì áp dụng máy móc ở nhiều khâu sản xuất, thu hoạch” - ông Nghi nói.

Ông Tương nói: “Sau thắng lợi cánh đồng mẫu tại Điện Thọ, nông dân khắp nơi trong tỉnh rất háo hức, phong trào dồn điền đổi thửa tiến hành thuận lợi, việc đưa cơ giới hóa lớn vào các khâu sản xuất được nhiều nơi áp dụng”.

Vụ lúa hè thu năm 2012 này, Trung tâm KNKN Quảng Nam và các địa phương phối hợp nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu ra 6 xã nông thôn mới của 6 huyện trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích là 369ha, trong đó diện tích được đầu tư bằng vốn ngân sách qua kênh của Trung tâm KNKN tỉnh là 196ha. “Qua theo dõi sự phát triển của lúa, chúng tôi tin chắc, những cánh đồng mẫu của vụ lúa hè thu này sẽ lại thành công” - ông Tương khẳng định.