Hồ chứa, trạm bơm, kênh dẫn nước đều cạn kiệt khiến các tỉnh miền Trung điêu đứng. |
Một số hồ chứa như Suối Trầu (Khánh Hoà) dung tích chỉ còn 5%; Sông Trâu (Ninh Thuận) 8%; Sông Quay (Bình Thuận) 14%; Đồng Nghệ, Hoà Trung (Đà Nẵng) 23-28%; Vĩnh Trinh (Quảng Nam) 36%; Yên Mỹ (Thanh Hoá) 37%; Hoà Mỹ (Thừa Thiên- Huế) 38%...
Nguyên nhân của tình trạng cạn kiệt trên hệ thống sông và các hồ chứa theo ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, chủ yếu do lượng mưa trong thời gian qua ít, trong khi nắng nóng kéo dài, ngay trong mùa mưa lũ vừa qua (tháng 6, 7, 8-2009) lượng mưa đã thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó do tác động của hiện tượng El Nino, mùa mưa năm 2009 kết thúc rất sớm.
6 tháng qua, cả nước mới chỉ có 4 đợt mưa vừa trên diện tương đối rộng với lượng mưa mỗi đợt từ 30-100mm. Lượng mưa bình quân chỉ đạt 60% so với mức trung bình nhiều năm, có nơi hoàn toàn không có mưa. Mùa mưa ở Nam bộ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1 tháng và cho đến nay vẫn chưa xuất hiện mưa lớn tại Nam bộ, Tây Nguyên.
TS. Nguyễn Lan Châu - PGĐ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cho biết: "Dòng chảy hệ thống sông Hồng - Thái Bình từ thượng nguồn đến hạ du đã xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử. Trên các sông ở Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ lượng dòng chảy phổ biến ở mức thấp hơn cùng kỳ từ 10 - 70%”.
Trên 40.000 hộ thiếu nước ăn
Không những hạn hán đang khiến lúa chết khô, chết héo từng ngày, mà tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ hiện đang có khoảng trên 40.000 hộ gia đình đang rất khó khăn về nước sinh hoạt. Đặc biệt, người dân trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi phải chịu mua nước ngọt với chi phí rất cao, khiến cuộc sống của bà con nơi đây đang bị xáo trộn lớn.
Thắng Đình