Nguồn nước xung quanh bãi rác Tân Long đều bị ô nhiễm. |
Sống trong ô nhiễm
Theo tìm hiểu của NTNN, năm 2001, khi quy hoạch xây dựng khu đất rộng 20ha ở ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long (Phụng Hiệp, các cơ quan chức năng thông báo sẽ quy hoạch nhà máy xử lý rác và giải quyết việc làm cho bà con ở địa phương. Thế nhưng, việc xây dựng nhà máy xử lý rác không được tiến hành mà thay vào đó là bãi chứa rác thường xuyên gây ô nhiễm môi trường.
Ông Lê Văn Tám nhà kế bên bãi rác bức xúc: “Trước khi xây dựng bãi rác gia đình tôi kinh doanh dịch vụ ăn uống và nước giải khát. Khi có bãi rác, cả khu vực ven Quốc lộ 1A này bị ô nhiễm nên không ai dám ghé vào…”. Ế ẩm, hết vốn ông Tám chuyển sang nghề vá ép và rửa xe. Tuy nhiên, theo ông Tám, nghề này đang gặp khó khăn vì cả đoạn đường hôi thối nên người dân cũng ngại vào.
Ông Phan Văn Chiến - Trưởng ấp Thạnh Lợi A1 cho biết: “Ngay chính quyền địa phương cũng bất ngờ vì chuyện lập bãi chứa rác. Đa số người dân ở đây đều nghèo, không có việc làm ổn định nên khi nghe nói thành lập nhà máy, rồi giải quyết việc làm ai cũng mừng. Nhà máy đâu không thấy nhưng gần chục năm nay người dân phải khổ sở vì bãi rác này”. Theo chính quyền địa phương, cả đoạn đường ven Quốc lộ 1A trước đây kinh doach dịch vụ ăn uống, nước giải khát nấp nập. Nhưng từ ngày có bãi rác thì dịch vụ này thưa dần vì khách rất ít khi ghé vào.
Dân bỏ ruộng hoang
Ông Đỗ Ngọc Bắc- Phó Giám đốc Công ty Công trình đô thị TP. Cần Thơ
Gần chục hộ dân có ruộng cặp bãi rác Tân Long lâu nay chẳng sản xuất gì được vì bãi rác ô nhiễm, nước rỉ từ rác tràn ra làm lúa chết. Trao đổi với PV, ông Huỳnh Thành Văn- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết: “Mấy hộ dân có đất cặp tường rào bãi rác thì không thể sản xuất được, những hộ kế cận có thể sản xuất lúa nhưng năng xuất giảm 50% so với ruộng lúa ở nơi khác trong xã”.
Bà Huỳnh Thị Hai có 4 công đất cặp bên vách tường bãi rác đã bỏ ruộng hoang mấy năm nay. Bà Hai cho biết: “Trước đây 4 công đất này trồng lúa đủ gạo ăn cho cả nhà, giờ phải lo chạy gạo từng bữa rất khổ sở. Mặc dù bãi rác có tường bao xung quanh nhưng phía dưới bức tường có nhiều lỗ thủng nên cứ mưa là nước rỉ từ rác tràn ra ruộng làm cho lúa chết hết. Mấy đứa con tui lên bờ bao để nuôi cá, trồng xoài nhưng cũng chẳng được đành bỏ hoang”.
Ông Nguyễn Mai Hầu cũng có khoảng 300m2 đất cặp tường rào bãi rác bỏ hoang mấy năm nay. Ông Hầu cho hay: “ Chỉ cần sạ lúa xuống gặp nước từ trong bãi rác tuôn ra là chết ngay. Còn nếu lúa có mọc lên được thì trổ bông cũng lép xẹp. Vì vậy nhà nào có ruộng cặp tường rào đều bỏ hoang hết”. Người dân nơi đây cũng cố gắng cải tạo đất nhưng chẳng thu hoạch được gì...
Mấy năm nay, người dân có đất mà không sản xuất được nhưng cũng không biết kêu ai cho thấu. Người dân có ruộng nhưng phải đi làm thuê làm mướn kiếm sống.
Hoàng Mai