Các trường hợp đều bị sưng đỏ tấy ở các vùng da trên mặt, ngực, đùi... Đáng lưu ý là nhiều trường hợp nhầm tưởng đó là bệnh giời leo (zona) nên tự mua thuốc về điều trị làm cho bệnh nặng thêm và mất nhiều thời gian điều trị.
Theo Ths. Đào Mạnh Khoa - Phó Giám đốc Trung tâm Da liễu Hải Phòng, đây là thời điểm bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng dễ bùng phát. Nguyên nhân do sau khi thu hoạch lúa mùa, mưa làm ngập ruộng đồng nên hai loài bướm đen và kiến khoang- 2 loài côn trùng gây bệnh - không có chỗ trú sẽ bay vào nhà, vào phòng ngủ, phòng tắm, nhất là vào buổi tối. Hai loài côn trùng này bám vào quần áo, cơ thể sẽ để lại các hoạt chất gây kích ứng da và gây bệnh.
Biểu hiện ban đầu của bệnh là những rát đỏ, sau đó phù nề. Trên bề mặt thương tổn có màu trắng xám, có mụn nước, có thương tổn vùng lõm ở giữa. Khi bội nhiễm có mủ trắng. Bệnh xuất hiện ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể. Nơi nào nhiễm chất gây kích ứng của côn trùng nơi đó bị bệnh. Lứa tuổi nào cũng có thể nhiễm bệnh này.
Bệnh có thể điều trị khỏi sau 5-7 ngày nếu bệnh nhân được điều trị đúng cách. Để phòng bệnh, người dân nên đóng cửa buổi tối tránh côn trùng bay vào nhà, không mặc quần áo có côn trùng bám vào, không diệt côn trùng trên da hay trên quần áo để tránh các chất gây kích ứng da bám lại trên quần áo. Tuyệt đối không nên tự điều trị để tránh tình trạng bệnh nặng thêm, vừa kéo dài thời gian điều trị, vừa để lại sẹo xấu.
B.T.K