Ngày 8.8, khoa Cấp cứu, bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận trường hợp của bé N.Q.D. (2 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp). Bé D. nhập viện trong tình trạng tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Khai thác bệnh sử của bé, BS ghi nhận, trước đó bệnh nhi được người nhà cho ăn đậu phộng (lạc) rang. Trong lúc ăn cháu vẫn hồn nhiên nô đùa thì bất ngờ ho lên một tiếng, tay ôm lấy cổ, mắt trợn ngược, toàn thân đột ngột tím tái.
Hóc dị vật là tai nạn đặc biệt nguy hiểm ở trẻ |
Ngay lập tức cháu được gia đình chuyển đến bệnh viện Gò Vấp sau khi sơ cứu bệnh viện này tiếp tục chuyển bé D. lên Nhi Đồng 2. Tại đây, bé được hỗ trợ hô hấp và hồi sức tích cực, tuy nhiên do bị ngưng thở quá lâu nên bé đã bị chết não, huyết áp không ổn định nên bác sĩ không tiến hành nội soi để gắp dị vật ra ngoài.
Sau một ngày nhập viện, tình trạng bệnh nhi diễn tiến năng thêm, bé bị hôn mê sâu không thể cứu chữa được nên gia đình đã làm thủ tục đưa con về lo hậu sự. Theo nhận định của các bác sĩ, bé D. là trường hợp bị hóc dị vật đường thở gây tắc nghẽn hoàn toàn, do không được sơ cứu kịp thời nên khi chuyển đến bệnh viện cháu đã không thể qua khỏi.
Dị vật đường thở là tai nạn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ cao nhất rơi vào trẻ từ 2 đến 4 tuổi. “Hung thủ” gây dị vật đường thở thường gặp nhất là hạt đậu phộng (lạc), hạt ngô, hạt dưa, hạt nhãn, mẩu xương, vỏ tôm,… Khi trẻ bị hóc dị vật, người lớn không nên đưa tay vào cố lấy dị vật ra vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn. Cần bình tĩnh sơ cứu bằng các biện pháp vỗ lưng, ép ngực để tống dị vật ra ngoài.
Biện pháp ép ngực:Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải). Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.