Dân Việt

Bọ xít hút máu không đáng ngại

02/07/2010 12:55 GMT+7
(NTNN) - Thông tin về loài bọ xít hút máu người từng gây bệnh Chagas đang khiến nhiều người hoang mang. Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, loài côn trùng này không đáng ngại, thậm chí còn là “bạn của nhà nông”.
img
Bọ xít “hút máu người” là thiên địch có nhiều lợi ích trong nông nghiệp. Ảnh: TS. Lam và bộ sưu tầm bọ xít

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, ngành trồng trọt, cùng với nhện bắt mồi, một số loại bọ xít, trong đó có côn trùng hút máu người, chính là loài thiên địch bảo vệ cây trồng trước sự tấn công của các loại sâu bệnh gây hại, đang được ngành trồng trọt khuyến cáo bảo vệ.

Theo điều tra của các nhà khoa học thuộc Bộ môn Côn trùng học, khoa Nông học (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội), ở nước ta có hàng chục loài thiên địch có ích, có thể nhân nuôi để diệt trừ côn trùng gây hại trên lúa, rau màu và nhiều loại cây trồng khác như: Nhện bắt mồi, bọ xít bắt mồi, ruồi ăn thịt, bọ xít cổ ngỗng và cả bọ xít “hút máu người...

Sẽ gửi mẫu sang Mỹ kiểm tra

Đó là ý kiến của TS. Trương Xuân Lam, người đầu tiên đưa ra thông tin về loài bọ xít hút máu người xuất hiện ở Việt Nam. TS. Lam cho biết: Ở Việt Nam chưa thể phát hiện ra loài vi khuẩn nội bào Trypanosoma cruzi gây bệnh Chagas qua đường máu ở người bệnh. Tuy nhiên theo các chuyên gia nước ngoài, có thể ở Việt Nam với các điều kiện sống sẽ có sự thay đổi cơ chế gây bệnh. Vì thế tôi muốn gửi mẫu sang Mỹ xét nghiệm để kiểm tra kỹ".

Hiện nay, các nhà khoa học của Bộ môn Côn trùng đang tiến hành nhân nuôi bọ xít bắt mồi (trong đó có loài bọ xít hút máu nói trên) để nhằm tiêu diệt loài bọ trĩ có kích thước nhỏ gây hại trên cà tím, bầu, bí xanh, đậu, dưa chuột...

Riêng bọ xít “hút máu người”, theo đánh giá của TS. Nguyễn Văn Huỳnh (ĐH Cần Thơ), đây là loại bọ xít có kim chích dài và có nọc độc làm tê liệt con mồi, thuộc họ Reduviidae của bộ bọ xít Hemiptera. Chúng thuộc nhóm côn trùng bắt mồi (Predators), chỉ ăn động vật nhỏ như sâu bọ (chứ không ăn cây trồng), nên trong biện pháp sinh học bảo vệ cây trồng người ta còn thả ra đồng ruộng hay bán cho nông dân sử dụng. Hiện, ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ các loài thiện địch này.

GS. Vũ Quang Côn - Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam, cho rằng, xu thế sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại (như trồng cây trong nhà kính, nhà lưới...) hiện nay phù hợp với việc thả thiên địch để tiêu diệt các loài sinh vật gây hại vì thế cần có biện pháp bảo vệ các loài này.

Tính đến thời điểm này, loại côn trùng này đã được phát hiện ở một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc... được cho là đã đốt hút máu người và có thể gây bệnh Chagas (với điều kiện có nguồn bệnh trung gian). Tuy nhiên, theo ông Hồ Đình Trung - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng T.Ư, khả năng truyền bệnh của loại côn trùng này rất thấp.

“Loại côn trùng này là một loại trung gian truyền bệnh, nó chỉ gây bệnh khi hút máu ở nguồn mang bệnh. Ở Việt Nam, không có nguồn bệnh hoặc rất ít vì thế bọ xít nhiễm bệnh tỷ lệ cũng rất nhỏ. Nguy cơ lây bệnh sang người cũng rất nhỏ. Hiện chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh Chagas ở nước ta” - TS.Trung khẳng định.

Cùng quan điểm này, TS.Trương Xuân Lam - Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiện thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện KH&CN Việt Nam) cho rằng, không quá lo ngại về khả năng gây bệnh của loại côn trùng này.

Nên đi khám khi bị bọ xít cắn

Theo PGS - TS.Nguyễn Văn Châu, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cách thức đốt của bọ xít hút máu người hoàn toàn khác các loài bọ xít khác đó là cách đốt treo. Ví dụ ngồi đánh máy vi tính, con bọ xít sẽ hút phía mặt dưới tay theo dạng rơi lơ lửng. Khi bị bọ xít hút máu đốt, người dân nên rửa sạch vết đốt tránh viêm nhiễm bằng kem chống dị ứng côn trùng. Ngoài ra nên đi khám tại các khoa dị ứng hoặc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Việt Nam.