Dân Việt

Còn nỗi thương đời để lại mai sau

Đêm xem lại “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ trong Chương trình tưởng niệm 25 năm ngày mất của Vũ về, tôi cứ nghĩ ngợi miên man. Vì sao Vũ sống mãi trong lòng bè bạn và khán giả? Bởi vì, kịch của Vũ luôn đau đáu một nỗi thương đời...
Khoảng trống quá lớn

Nhiều người cũng đồng tình với tôi, rằng xem lại “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ hôm 25.8 vừa rồi, càng thấy khoảng trống trong sáng tác của VN lớn quá. Khán giả càng đồng cảm bao nhiêu, xúc động bao nhiêu với vở diễn thì những người trong giới sân khấu như chúng tôi càng thấy buồn vì sự vắng bóng của Vũ, càng thấy vị trí quan trọng và giá trị của Vũ trong đời sống sân khấu VN.

Tất nhiên kịch của ta không thiếu tác giả tài ba, nhưng để có được những tác phẩm của của Lưu Quang Vũ thì thật là hiếm hoi. Mọi sự so sánh đều không hay, nhưng vì sao kịch Lưu Quang Vũ lại có sức sống và sự hấp dẫn lâu bền đến thế, tôi muốn phân tích và lý giải một chút. Nhìn tổng thể, kịch của Vũ có quá nhiều ưu điểm, về cấu trúc, thủ pháp và tư tưởng của tác phẩm.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (đứng bên trái), NSND Doãn Châu (ngồi, bên trái) chụp ảnh cùng các văn nghệ sĩ tại Sài Gòn năm 1988.
Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (đứng bên trái), NSND Doãn Châu (ngồi, bên trái) chụp ảnh cùng các văn nghệ sĩ tại Sài Gòn năm 1988.

Về cấu trúc, kịch của anh đa dạng, phong phú vô cùng. Có những vở viết theo dạng phô bày hiện thực trần trụi và bám sát thực tiễn để phản ánh những đòi hỏi bức xúc của xã hội như “Tôi và chúng ta”, “Nguồn sáng trong đời”. Có vở lại độc đáo về ý tưởng theo cấu trúc hư hư thực thực như “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Có vở hài hước, ý nhị như “Bệnh sĩ”, có vở ly kỳ hóm hỉnh như “Lời thề thứ 9”... Hiếm có tác giả nào viết được đa dạng như thế.

Tôi đã được cộng tác với Vũ vài chục tác phẩm, mà mỗi tác phẩm đều có màu sắc khác nhau gây nên cảm hứng bất tận cho đạo diễn. Tác phẩm của Vũ dù viết ở dạng nào, cấu trúc nào cũng luôn toát ra một điều: Nghệ thuật hoàn toàn lấy chất liệu từ cuộc sống đa dạng và sinh động, không hề bịa đặt. Những nhân vật trong kịch đều có mặt trong đời sống thực, họ là những mẫu người chung quanh ta.

Kịch Lưu Quang Vũ luôn đặt ra những câu hỏi rất đồng điệu với vấn đề bức xúc của xã hội hàng ngày, thế nên không hề lạ khi cho đến hôm nay, những vấn đề của “Lời thề thứ 9” hay “Ai là thủ phạm” vẫn nóng bỏng. Đó là vấn đề dân chủ ở nông thôn, vấn đề cư xử giữa con người với con người, là sự đòi hỏi chính đáng của nhân dân về một cơ cấu hợp lý trong tổ chức xã hội. Từ vài thập kỷ trước, Vũ đã đặt ra điều đó, và cho đến nay, những điều đó vẫn đang là vấn đề thời sự.

“Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”

Tôi may mắn được sống gần gũi và thân thiết với Lưu Quang Vũ những năm cuối đời, nên thân thiết và hiểu Vũ lắm. Đời anh thật giống với một câu thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”.

Vũ viết kịch để vạch cho xã hội thấy những ung nhọt, những bất cập không phải vì muốn đánh đổ nó, thù ghét nó mà chỉ vì quá thương đời đấy thôi. Lúc nào Vũ cũng khao khát một xã hội tốt đẹp, công bằng và hạnh phúc cho con người, nên anh viết bằng cả tấm lòng, như một bác sĩ chữa bệnh, không vạch vòi vào đúng căn bệnh, làm sao biết được thuốc nào để trị. Đóng góp ấy của Vũ, người đời đã ghi nhận và vì thế, anh chưa lúc nào rơi vào quên lãng.

Vấn đề dân chủ ở nông thôn, vấn đề cư xử giữa con người với con người, là sự đòi hỏi chính đáng của nhân dân về một cơ cấu hợp lý trong tổ chức xã hội. Từ vài thập kỷ trước, Lưu Quang Vũ đã đặt ra điều đó, và cho đến nay, vẫn đang là vấn đề thời sự.

Kịch Lưu Quang Vũ hóm hỉnh, sâu sắc, tế nhị và cách diễn tả hấp dẫn vô cùng, người xem bị cuốn hút từ đầu đến cuối, không lơi ra được, 25 năm sau ngày anh mất, chưa tác giả nào làm được điều đó. Anh viết giỏi, viết nhiều nhưng là một người khiêm nhường, giản dị, lúc nào cũng cứ thủ thỉ, sống rất sâu sắc.

Chúng tôi là bạn thân nên có gì cũng san sẻ cho nhau, bổ sung những điều mà bạn mình thiếu hụt. Tôi đi công tác Thanh Hóa, thấy có chuyện một xã tổ chức thi đấu boxing, người ta cứ tưởng hễ khỏe là ăn tiền, nên cử một ông phó cối lên thi, tôi về kể cho Vũ nghe, thế là Vũ đưa ngay ông phó cối vào thành võ sĩ Đại Dương trong “Bệnh sĩ”.

Tôi đi công tác miền Nam, ngồi ăn bánh mì ở sân bay, cái miếng báo gói bánh mì có câu chuyện một cậu bé da đen bị đánh tráo, thấy hay quá, tôi chùi hết mỡ dính trên tờ báo, đút vào túi đem về cho Vũ đọc. Vũ đọc xong bảo tuyệt vời, thế là cùng với tôi, đạo diễn Nguyễn Ngọc Phương, chúng tôi cùng chấp bút cho kịch bản “Đôi dòng sữa mẹ” ra đời.

Cứ nhớ mãi cái mùa thu oan nghiệt ấy, cách đây 25 năm, ngày 29.8.1988, phút giây cuối cùng, trên chuyến xe định mệnh, tôi cõng Vũ đi tìm bệnh viện, trong khi sau tai nạn, Xuân Quỳnh và cháu Mí đã mãi mãi ra đi, vậy mà cuối cùng Vũ cũng không qua khỏi số mệnh.

Một phần tư thế kỷ rồi, nỗi đau nào rồi cũng phải nguôi ngoai, nhưng sự ra đi của Vũ làm thiệt hại cho sân khấu VN lớn quá, nhiều lúc tôi cứ nghĩ, giá không có tai nạn ấy, thì cho đến hôm nay, Vũ vẫn còn đang lôi kéo hàng đoàn khán giả lũ lượt đến với sân khấu, để cùng khóc cười và thắp lên những ngọn lửa yêu thương với anh.

Lưu Quang Vũ từng viết: “Người ta chỉ chết đi khi không còn để lại điều gì trong lòng nhau”, câu văn ấy có phải là một điềm báo, là một tiên đoán xót xa cho phần đời ngắn ngủi của anh? Nhưng bù lại, nó cũng là một tiên đoán về cuộc đời vĩnh cửu cho những gì mà anh đã cống hiến.

Với tôi, với những khán giả luôn yêu thương và quý trọng anh, Vũ chưa bao giờ chết cả.