Dân Việt

Tràn ngập lao động Trung Quốc không phép

Những ngày gần đây, người dân nhiều nơi rất bức xúc bởi thông tin về số lao động Trung Quốc sang làm việc trái phép tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Hầu như địa phương nào cũng xuất hiện tình trạng này.
Còn buông lỏng quản lý

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án Trung tâm Điện lực (TTĐL) Duyên Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), ngoài lao động người Việt Nam, các nhà thầu đã thuê hàng trăm lao động là người Trung Quốc. Bà Nguyễn Ngọc Anh Thư- nhân viên phụ trách Phòng Tổng hợp nhà thầu Tập đoàn Điện khí Đông Phương (DEC) – Tổng thầu Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, một trong 3 tổng thầu chính của Dự án TTĐL Duyên Hải, cho biết: “Hiện nay phía chúng tôi còn 103 lao động người Trung Quốc chưa được cấp phép lao động. Chúng tôi hứa với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Trà Vinh đến ngày 15.5 sẽ hoàn thành việc cấp phép, nếu hồ sơ nào không hoàn thành thì sẽ cho về nước”.

Đại diện nhà thầu trả lời ngành chức năng tỉnh Trà Vinh về lao động chưa có giấy phép.
Đại diện nhà thầu trả lời ngành chức năng tỉnh Trà Vinh về lao động chưa có giấy phép.

Theo tìm hiểu, không riêng gì đơn vị tổng thầu trên, 2 tổng thầu còn lại cũng xảy ra tình trạng công nhân Trung Quốc chưa có giấy phép lao động. Về nguyên nhân, bà Trương Ngọc Quỳnh - Trợ lý Phòng Tổng hợp nhà thầu China Communications Construction Company (CCCC) - Tổng thầu dự án Cảng biển, cũng là 1 trong 3 tổng thầu chính của Dự án TTĐL Duyên Hải, giải thích:

“Theo Thông tư số 03/2014/TT của Bộ LĐ-TBXH quy định thành phần hồ sơ cấp phép gồm có lý lịch tư pháp tại nước ngoài, lý lịch tư pháp tại Việt Nam, giấy xác nhận trình độ đào tạo phải được hợp pháp hóa lãnh sự, phiên dịch và công chứng. Từ đó gây mất thời gian cho phía nhà thầu trong việc hoàn thành hồ sơ xin cấp phép lao động. Đến nay, chúng tôi vẫn còn có 64 người chưa có giấy phép lao động”.

Về tình trạng này, bà Sơn Thị Ánh Hồng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng: “Việc các công nhân Trung Quốc chưa có giấy phép, một phần trách nhiệm là của nhà thầu và đơn vị quản lý đã thiếu kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở. Thời gian tới, Ban quản lý khu kinh tế, Sở LĐTBXH, Ban quản lý dự án cần kiểm tra lại hết các hồ sơ các lao động chưa được cấp phép, nếu không đủ điều kiện sẽ làm theo đúng quy định. Mặt khác, ngành quản lý cũng phải làm văn bản gửi cho UBND tỉnh xem xét báo cáo đến Bộ LĐTBXH”. “Không riêng gì lao động Trung Quốc, các ngành chức năng cần kiểm tra lại hết số lao động nước ngoài làm việc tại Dự án TTĐL Duyên Hải để có hướng giải quyết, làm sao tạo điều kiện cho dự án hoàn thành đúng tiến độ” - bà Sơn Thị Ánh Hồng chỉ đạo.

Địa phương nào cũng có


Theo tìm hiểu của NTNN, ngoài Trà Vinh, ở các tỉnh khác vẫn còn rất nhiều lao động Trung Quốc đang làm việc trái phép. Ngày 10.4, ông Nguyễn Văn Lớn- Chuyên viên Phòng việc làm (Sở LĐ-TBXH) Long An cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Long An có 1.764 lao động là người nước ngoài, trong đó có 1.475 người đã được cấp phép, 205 người không phải cấp phép, 84 người chưa được cấp phép do chưa hoàn chỉnh hồ sơ. Số lao động trong khu công nghiệp là 895 người, ngoài khu công nghiệp 869 người, tập trung ở 5 huyện có khu công nghiệp như: Cần Đước, Cần Giuộc, TP. Tân An, Bến Lức và Đức Hòa.

Chưa thanh tra
Ngày 10.4, ông Nguyễn Văn Tiến - Chánh thanh tra Bộ LĐTBXH cho biết: “Vấn đề lao động Trung Quốc do Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) quản lý, còn thanh tra Bộ chỉ tiến hành thanh tra theo định kỳ, hoặc thanh tra đột xuất với các trường hợp có yêu cầu. Tuy nhiên, vấn đề lao động Trung Quốc làm việc trái phép tại các tỉnh thành thì Bộ chưa thanh tra cụ thể. Về xử phạt thì lao động người nước ngoài không có giấy phép có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam. Với các doanh nghiệp vi phạm mức phạt tiền tối thiểu là 30 triệu đồng và tối đa là 75 triệu đồng. Trong một số trường hợp đặc biệt, DN có thể bị đình chỉ từ 1-3 tháng. Sáng cùng ngày, PV NTNN có liên lạc với Cục Việc làm để làm rõ thông tin xử lý lao động nước ngoài, trong đó có lao động Trung Quốc làm việc không phép nhưng Cục này từ chối cung cấp thông tin.
Minh Nguyệt

Cũng theo ông Lớn, trong tổng số lao động là người nước ngoài có khoảng trên 60% là người Trung Quốc. Đây là những người lao động có thời hạn từ 1 năm trở lên, số lao động không hạn (làm theo thời vụ), hiện trên địa bàn khoảng 5-7%.

Còn thông tin từ  Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh, lúc cao điểm cuối năm 2013, tỉnh này có hơn 2.600 người nước ngoài làm việc ở Khu kinh tế Vũng Áng, trong số này có 1.526 người Trung Quốc. Trong đó, chỉ có hơn 1.100 người nước ngoài được cấp giấy phép lao động để làm việc tại khu kinh tế này.

Theo lý giải của Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng thì hoạt động quản lý, xử phạt gặp nhiều khó khăn. Ban chỉ là đơn vị được ủy quyền cấp giấy phép lao động, không có chức năng kiểm tra, xử phạt, trục xuất lao động trái phép ra khỏi địa bàn. Về phía Sở LĐTBXH cũng thừa nhận Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng chỉ có chức năng kiểm tra, giám sát không có quyền xử phạt.

Còn tại Thanh Hóa, tháng 3.2014, UBND tỉnh đã chấp thuận kế hoạch sử dụng lao động người nước ngoài ở một số dự án đang triển khai tại Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia). Theo đó, trong tổng số 321 lao động của nhiều quốc gia có tới 166 người Trung Quốc. Riêng nhà thầu Viện Nghiên cứu và thiết kế xi măng Hợp Phì (Trung Quốc) đưa 163 lao động Trung Quốc sang làm việc. Trong số này chỉ 49 lao động đảm nhiệm các chức danh quản lý, giám sát, số còn lại 114 người đều là lao động phổ thông mà Việt Nam có thể đáp ứng.