Báo Tuổi Trẻ đưa tin một vụ "truy sát" hy hữu. Trong ca trực bảo vệ tại một trung tâm thuộc Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên, ông Phạm Văn Mạnh (57 tuổi) đã sơ hở để kẻ gian vào bếp lấy cắp 13 cái xoong. Ông Mạnh đã mua xoong nồi mới trả cho nhà bếp. Vậy mà giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh đã ra quyết định kỷ luật ông với hình thức buộc thôi việc.
Trời, sao người lao động bị đuổi dễ thế? Tất nhiên ông Mạnh kiện và tòa đã hủy quyết định buộc thôi việc. Ông Mạnh nhận sổ về hưu được một thời gian, giám đốc sở chủ quản này vẫn tiếp tục ra một quyết định buộc thôi việc khác (!).
Cái vụ này đã có tên gọi, gọi là “truy sát”. Trong trường hợp nhẹ hơn, cha ông ta thì nói là "rót nước không trừ cặn". Cả hai đều đúng để chỉ một hành vi hay chủ trương thù vặt và tiểu nhân, không xứng đáng với một con người bình thường, chưa nói tới một cơ quan nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Trong thế giới động vật, dữ nhất là hổ và sư tử. Đến mùa động dục, các con đực tranh con cái để giao phối, chúng phải đánh bại kẻ thù. Nhưng không con sư tử nào truy sát tình địch cho đến chết, chúng chỉ đuổi đi mà thôi. Trong đạo lý làm người văn minh, nước nào cũng có luật không giết hay tra tấn tù binh, những kẻ đang trong tay mình. Với kẻ thù thì như thế. Với bạn bè, hàng xóm, người thân quen hay nhân viên trong tay mình, sự đối xử càng phải ôn hòa, có tình có lý, có đạo đức.
Rót chén nước cũng phải biết trừ cặn. “Truy sát” khi người ta ngã ngựa là một trong những hành vi nhẫn tâm khó có thể chấp nhận. Một thủ trưởng, một giám đốc sở là người đại diện cho nhà nước, luôn nói về "tính nhân văn", "tình nghĩa" mà “truy sát” một nhân viên của mình đến đường cùng thì đúng là không ra gì!
Họ đã chống quyết án của tòa án tối cao. Họ đã không giấu được trái tim đen khi bất chấp luật pháp, lý lẽ, đã ra quyết định buộc thôi việc khi người ấy đã về hưu, không còn là viên chức của mình nữa. Cái này nếu không coi là thù vặt thì gọi là cái gì?
Nghe ông Mạnh nói, ông bị "truy sát" vì ông thường tố cáo chống lại tiêu cực, tham nhũng của lãnh đạo cơ quan. Không biết ông Mạnh nghĩ vậy có đúng hay không, sự việc có thật như thế hay không. Nhưng người bình thường cũng có thể tự hỏi: Chỉ mất 13 cái soong - nhôm chưa đến triệu bạc mà dồn một đồng sự, đồng chí của mình vào chỗ cùng đường, tất phải có duyên cớ sâu xa chi đây? Mong sự thật sẽ được sáng tỏ để ít nhất cũng để lại một bài học về đạo lý làm người, tư cách một người lãnh đạo.
Nguyễn Quang Thân