Dân Việt

Đẩy mạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội

03/07/2010 09:34 GMT+7
(Dân Việt) - Báo cáo của Chính phủ nhận định, nền kinh tế 6 tháng đầu năm phục hồi khá; đảm bảo kế hoạch đặt ra; tốc độ tăng trưởng của tất cả các ngành và lĩnh vực đều cao hơn cùng kỳ năm trước.
img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp.

Trong hai ngày 1 và 2 -7 Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 6- 2010.

Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ở mức khá (6,16%); tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7%... Mặc dù vậy, 6 tháng qua nền kinh tế vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, đặc biệt nhập siêu 6 tháng khoảng 6,7 tỷ USD, bằng 20,9% kim ngạch xuất khẩu...

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế - xã hội đã đề ra, trong đó tập trung chỉ đạo quyết liệt một số trọng tâm để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh phục hồi tăng trưởng kinh tế; triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Chiều 2-7, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thông báo kết quả phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6- 2010. Tại cuộc họp báo, vấn đề được các phóng viên quan tâm chính là thông tin Chính phủ yêu cầu tái cấu trúc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin).

Về vấn đề này, ông Phạm Viết Muôn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp T.Ư cho biết: Vinashin có tổng số vốn điều lệ là 14.655 tỷ đồng; số nợ của Vinashin hiện đã lên đến khoảng 18.000 tỷ đồng. Theo ông Muôn, việc con tàu Vinashin đang gặp nhiều sóng gió có yếu tố khách quan là ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là cơ bản như: Đầu tư dàn trải, kiểm soát công nợ chưa tốt…

Trước câu hỏi đặt ra liệu quá trình thanh tra Vinashin đã được lên kế hoạch có bị ảnh hưởng khi có quyết định tái cơ cấu tập đoàn này không, ông Muôn khẳng định: Việc thanh tra Vinashin sẽ không bị ảnh hưởng bởi tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp này. Thanh tra Chính phủ làm việc tại Vinashin đợt này sẽ thanh tra toàn diện không chỉ đơn thuần về mặt tài chính.

Nói về chủ trương tái cấu trúc Vinashin, ông Muôn cho biết có nhiều khó khăn, nhất là việc chuyển đổi đội tàu của Vinashin cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), tuy nhiên việc này vẫn phải làm để đảm bảo 4 mục tiêu: Duy trì và phát triển ngành đóng tàu đã dày công xây dựng; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư; không làm ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng mà Vinashin có giao dịch và đảm bảo đời sống cho các công nhân trong ngành đóng tàu.