Có hai thứ tốn khá nhiều tiền của ngân sách do Bộ VHTTDL chủ chi là cái bảng hiệu Gia đình văn hóa (ở phố) và Nhà văn hóa (ở làng xã).
Xây dựng gia đình văn hóa và làm một cái nhà cho sinh hoạt văn hóa ở thôn xã là điều tốt, ai chẳng muốn. Nhưng ý nguyện của người dân cũng như người làm công tác văn hóa lại rất vênh với thực tế trước mắt.
Gia đình văn hóa được công nhận và trao tràn lan khắp nơi ở các thành phố lớn cùng với “khu phố văn hóa”, “đường phố văn hóa”... nhưng thực chất không có bao nhiêu, đều là chuyện đánh trống ghi tên ồ ạt. Người dân thì muốn hay không cũng ầm ừ cho qua để yên thân, cán bộ thì có thành tích. Vậy gọi là “gia đình văn hóa” nhưng cũng có thể có con cái nghiện hút hay vợ chồng đánh chửi nhau như chém chả suốt ngày. Và dù là “khu phố văn hóa” nhưng trộm cắp vẫn xảy ra, cãi lộn và đánh nhau ngoài đường, cạnh biển hiệu “văn hóa” là chuyện nhỏ!
Nhà văn hóa được xây dựng hầu hết trong các thôn làng thường bằng kinh phí của ngân sách nhà nước cấp. Mục đích cũng rất rõ ràng: Có một địa điểm thuận lợi để người dân nông thôn sinh hoạt văn hóa. Ví như tập hát, tập múa, tập kịch để tham gia hội diễn của huyện. Để biểu diễn văn nghệ nhân dịp lễ tết. Để bà con lối xóm ngồi bàn chuyện văn hóa khi cần thiết. Thế nhưng hầu hết những sinh hoạt văn hóa như thế đã biến mất ở nông thôn trừ một số đếm trên đầu ngón tay làng chèo, múa rối (miền Bắc), hát dặm, bài chòi (miền Trung) hay đờn ca tài tử (miền Nam). Vì thế theo những khảo sát có trách nhiệm được trình bày trong cuộc hội thảo “Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam” ngày 27.3 vừa qua, nhà văn hóa rất ít tác dụng nếu không nói là không tác dụng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “nhà văn hóa là tốn kém và vô ích” (họa sĩ Trần Khánh Chương, Hội Mỹ thuật Việt Nam) hay “nói là xây dựng văn hóa nông thôn nhưng ta chỉ làm được một việc là xây nhà văn hóa!” Kết quả và thực tế cho ta nhìn thấy nhà văn hóa nông thôn phổ biến là “đóng cửa bỏ không”, ở thành phố chỉ là nơi họp của tổ hưu các cụ! Còn “nhà văn hóa” thì ôi thôi, cả một sự “tự sướng” cho vui hoặc để lấy thành tích!
Nhiều ý kiến trong cuộc hội thảo cho rằng ta có thể tập trung đầu tư vào cái đình làng khang trang để làm nơi thờ cúng thành hoàng (đình), thần hoàng (đền) vừa cũng là nơi nhân dân sinh hoạt văn hóa. Tuy ý kiến này chỉ đưa ra một cách cảm tính, nhưng thực chất lại rất quan trọng. Đó là tìm kiếm “cái hồn” cho nhà văn hóa. Đình làng hay nhà rông (ở Tây Nguyên) có hồn vì có lịch sử, có tín ngưỡng. Trước đây đình làng, thậm chí chùa làng vẫn là nơi các gánh hát dân gian hay chuyên nghiệp biểu diễn. Dù không có dịp sinh hoạt văn hóa thì nơi đây vẫn luôn có sức sống, được dân làng dân bản tôn trọng, hun đúc và chăm nom. Nó vẫn sống chứ không bị “hiu quạnh” đến ghẻ lạnh như “nhà văn hóa” hiện nay!
Nếu không muốn dính đến đình làng và thích xây dựng riêng “nhà văn hóa” thì xin trước hết tìm cho nó một cái hồn đã! Nếu không thì muôn năm sẽ “đóng cửa bỏ không” mà thôi!