Dân Việt

Từ trái tim người lính

03/07/2010 12:48 GMT+7
(Dân việt) - “Phong trào thi đua quyết thắng toàn quân sẽ là một mốc son để QĐND Việt Nam vươn lên tầm cao mới” là khẳng định của Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại Đại hội thi đua quyết thắng lần thứ VIII vừa tổ chức tại Hà Nội.
img
Nghiên cứu cải tiến vũ khí hưởng ứng phong trào thi đua quyết thắng.

Lớp lớp chiến công mới

Đại tướng Lê Văn Dũng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho biết: Chỉ tính 5 năm lại đây, tuổi trẻ quân đội đã có gần 1.300 công trình khoa học, sáng kiến, trong đó có 726 công trình đạt giải cao, được áp dụng ở đơn vị, làm lợi cho quân đội, nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Có thể kể đến những cái tên đầy tự hào như Trung uý Vũ Văn Chiêm, Đồn biên phòng 562, TP.HCM; đồng chí Nguyễn Xuân Nghiễm, trợ lý tác huấn Trung đoàn dự bị động viên, đoàn 16; Đại uý Lê Đức Hạnh thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và hàng chục nghìn lượt tổ chức đoàn và đoàn viên, thanh niên đạt danh hiệu "3 đỉnh cao quyết thắng".

Nhiều phong trào khác cũng tạo được không khí thi đua sôi nổi trong toàn quân với nhiều thành quả như: "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" của Hội Phụ nữ VN, "Lao động giỏi - lao động sáng tạo", "5 nhất, 3 không" của công đoàn quốc phòng. Hoặc phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường đã xuất hiện nhiều gương tiêu biểu của Bệnh viện 5 - Quân khu 3, Nhà máy M1, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Nhà máy Z121, Z189, Công ty Hồng Hà, Xí nghiệp liên hợp Ba Son thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng…

Từ trái tim người lính

Chỉ tính 5 năm lại đây, tuổi trẻ quân đội đã có gần 1.300 công trình khoa học, sáng kiến, trong đó có 726 công trình đạt giải cao, được áp dụng ở đơn vị.

Nhiều đại biểu tâm sự, những gì họ đạt được thường gắn với ý thức trách nhiệm trước đơn vị, cơ quan, trước gia đình, cộng đồng. Học viên năm thứ 3 Trịnh Ny Cu Na - Trường Sĩ quan lục quân 2, quê ở huyện Thạch Trị, Sóc Trăng tâm sự: Thành tích học tập xuất sắc, danh hiệu chiến sĩ thi đua của trường và Sao tháng Giêng của Hội sinh viên Việt Nammà mình có được ngoài nỗ lực bản thân thì còn phải nhờ vào sự vượt qua rào cản phong tục tập quán lạc hậu, văn hoá vùng miền. Học tập đức tính tiết kiệm của Bác Hồ, mặc dù phụ cấp rất ít ỏi nhưng hàng tháng anh vẫn dành ra 200.000 đồng gửi về để ba mẹ không phải đi cày thuê cuốc mướn.

Còn với Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh - Giám đốc Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn, thì các loại máy móc rà phá bom mìn mà anh cùng đồng nghiệp nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng hiệu quả bắt nguồn từ nỗi đau khi chứng kiến cảnh lìa đời của các cháu bé ở Cam Lộ, Quảng Trị khi đi tiêm phòng giẫm phải mìn, và cảnh 3 em bé trong một gia đình ở Đăk Lăk bị chết do gia đình khai hoang vướng phải bom bi. Anh nói: Công việc tháo gỡ bom mìn chậm một ngày là thêm một ngày đất đai chưa được bình yên, thêm một ngày có đau thương mất mát.

Việc Đại tá Nguyễn Đăng Giáp - Giám đốc Công ty 36 lãnh đạo một đơn vị từ chỗ thua lỗ 36 tỷ đồng đến chỗ có 1.400 tỷ đồng vốn trong tài khoản, cũng chính từ sự đau đáu nghĩ về tương lai của nhiều cán bộ, công nhân viên trước nguy cơ thất nghiệp, và từ nỗi trăn trở về hình ảnh, tư thế người lính trong thời bình. Và từ kinh nghiệm doanh nghiệp quân đội trực thuộc nhà nước đầu tiên này, Bộ Quốc phòng đã nhân lên nhiều công ty khác tương tự như Công ty 36.

Chiến công, thành quả của gần 64 nghìn tập thể, cá nhân được phong Anh hùng và Huân chương các loại, hơn 800 Chiến sĩ thi đua toàn quân, toàn quốc, 62 tập thể nhận Cờ đơn vị xuất sắc của Bộ Quốc phòng, cũng xuất phát từ chừng ấy trái tim bộ đội Cụ Hồ, chừng ấy tâm huyết và trí tuệ. Cũng một phần vì vậy mà hình ảnh người lính trong lòng dân vẫn đẹp mãi.