Những người mê tín cho rằng Phật đội đất lên để xuất hiện giữa trần gian. Một đồn mười, mười đồn trăm với các câu chuyện ly kỳ, biến vùng đất yên tĩnh này thành nơi rộn ràng ngựa xe đi viếng Đức Phật.
Mùa mưa, mối đùn từ đất lên thành những ụ đất có hình dạng khác nhau là chuyện bình thường. Nhưng dưới con mắt của người mê tín, khi thấy ụ mối có dáng giống một người đang ngồi thì vội cho rằng Phật giáng trần.
Đáng tiếc là không phải vài trường hợp cá biệt, mà rất đông người tin vào chuyện ngớ ngẩn này. Nhiều lời đồn đại rằng đã có người đi chiêm bái tượng Phật đất nên đánh đề trúng lớn. Vậy là cha con kéo nhau cầu xin cho giàu có, phát tài và xin số để đánh đề.
Người kéo đến đông nên sinh ra nhiều dịch vụ ăn theo tượng Phật đất như giữ xe, hàng quán, bán nhang đèn. Những người tổ chức bán hàng thấy trúng quả nên tung thêm nhiều tin thất thiệt để dụ dỗ khách thập phương. Cái trò lừa đảo cũ rích nhưng vẫn được sử dụng hiệu quả.
Chuyện ụ mối giống tượng Phật không có gì mới. Ở Trà Vinh từng có chuyện một thanh niên “bỗng dưng thành Phật”, có thể chữa bách bệnh bằng cách sờ vào người bệnh (?). Bà con kéo nhau đến như đi trẩy hội. Họ tin rằng chỉ cần được ông “Phật” sống này sờ vào là khỏi bệnh.Sự mê tín của con người thật khó cứu chữa.
Còn có trường hợp đồn đại Đức Mẹ hiện ra chỗ này, chỗ kia, khóc đến chảy máu mắt. Thiên hạ kéo đến cầu nguyện, van xin, khóc lóc đủ điều. Chính quyền địa phương vất vả vì phải giữ gìn trật tự công cộng, các vị chức sắc tôn giáo giải thích, thuyết phục họ đừng mê muội, nhưng vẫn không thay đổi được suy nghĩ của người mê tín. Chỉ còn cách để họ mặc sức vái lạy cho đến khi chán chê, thấy vô bổ và tự rút lui.
Mê tín từ người lớn ảnh hưởng đến người trẻ. Trước ngày thi cao đẳng, đại học hàng năm, nhiều học sinh vào đền chùa để van vái cầu xin cho thi đỗ. Các em còn kéo nhau đến sờ đầu rùa ở Văn Miếu, thắp nhang khấn vái xin gặp được may mắn trong thi cử. Ở lứa tuổi trong sáng, sống trong thời hiện đại, các em bị nhiễm căn bệnh mất niềm tin vào chính mình mà dựa dẫm vào thần thánh thì hỏng mất. Căn bệnh mê tín trầm kha và đang “di truyền”.
Những biểu hiện mê tín, thiếu lành mạnh vẫn còn tồn tại trong xã hội, thậm chí ngày càng trầm trọng. Cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, bác bỏ các biểu hiện mê tín và nâng cao dân trí, nhận thức của người dân.
Chân Tâm