Dân Việt

Cuộc hội ngộ kỳ lạ sau 39 năm ly biệt

Bà Yến không thể tin, đứng trước mặt bà là Bê, đứa con bé bỏng ngày nào. 39 năm qua, vợ chồng bà cứ ngỡ con gái đã chết trong trận mưa bom giặc Mỹ. Bàn thờ Bê đã được lập để nhang khói ngày ngày.
Cuộc hội ngộ cảm động thấm đẫm nước mắt sau 39 năm xa cách, lưu lạc của hai mẹ con chị Võ Thị Bê (54 tuổi, thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quãng Ngãi).

Loạn lạc trong chiến tranh

Năm 1975, chị Bê mới chỉ là cô bé tròn 15 tuổi cùng với đám bạn trong xóm, rủ nhau lên trung tâm văn hóa xã xem phim màn ảnh rộng đo đoàn văn hóa nghệ thuật của huyện về chiếu phục vụ bà con.

Đang mải mê với những cảnh phim hấp dẫn, Bê nghe những tiếng bom dội mạnh, tiếng nổ rầm vang, tia lửa chớp sáng lên từng vùng, khói mù trời và mọi người kêu gào, la hét trong hoảng loạn. Lúc này mạnh ai nấy chạy. Chị Bê chưa kịp định thần thì quanh mình, những người bị thương, có những người bất tỉnh, trong số đó có những người đã chết. Máu người loang lổ đầy đất.

Chị Bé không ngờ  mình có thể tìm được mẹ sau 39 năm mất tích.
Chị Bé không ngờ mình có thể tìm được mẹ sau 39 năm mất tích.

Với tâm lý của một đứa bé 15 tuổi lúc đó, Bê dường như mất hết phương hướng, quá sợ hãi, chỉ biết chạy khỏi đám đông, chạy xa chỗ có tiếng bom đang nổ.

Men theo con đường đất nhỏ, Bê chạy, chạy mãi cho tới lúc trời gần sáng và ngất xỉu, lúc tỉnh dậy thấy mình nằm trên bờ ruộng một cánh đồng. Nhìn quanh không thấy người, chị lại tiếp tục đi. Khi gặp người chị thấy toàn người lạ, và điều đau lòng nhất lúc này đối với chị là không nhớ được nhà mình ở đâu. Ngay cả địa chỉ thôn xóm, làng xã Bê cũng không nhớ được.

Nấc một tiếng chị Bê tiếp tục kể: thực sự không phải chị là một đứa bé thiểu năng vì Bê vẫn đi học và làm việc bình thường. Nhưng lúc bị ngất đi và tỉnh dậy Bê không nhớ gì một phần là do tiếng bom dội bên tai chị quá mạnh, sau này làm ảnh hưởng tới trí nhớ cu. Hơn nữa vì nhìn thấy những cảnh chết chóc, máu me nên Bê đã bị tác động tâm lý, gây sợ hãi và quá hoảng.

Thời đó vì người dân quá nghèo không đủ ăn lại còn phải chạy trốn với chiến tranh nên không ai có thời gian để giúp chị tìm người thân. Lúc này, Bê chỉ biết đi lang thang, tìm kiếm, nhặt những thứ rơi rớt bên đường ăn cho đỡ đói. Rồi lại tiếp tục đi, cho đến lúc Bê chợt nhớ tên những người thân trong gia đình, nhưng khi hỏi thăm thì chẳng ai biết.

Đường tìm về đất mẹ!

Thời gian sống lang thang, có một vài người tốt bụng cũng cho chị Bê cơm ăn, áo mặc, cưu mang chị qua những ngày tháng cứu đói. Nhưng rồi không có ai cưu mang chị được lâu. Chị lại tiếp tục với những ngày xin ăn tàn tạ, những đêm màn trời, chiếu đất. Chị sống như vậy suốt một thời gian dài 22 năm có lẻ.

Một sáng năm 1997 khi đang nằm lây lất trong lều chợ tồi tàn, chống chọi với cái rét cắt da của tháng 12, không một tấm áo ấm che thân, chị nghĩ cuộc đời mình thế là chấm hết. Nhưng cuối cùng ông trời cũng rủ lòng thương, khi có một người phụ nữ ở huyện Bình Sơn hỏi han gia cảnh chị. Nghe chị kể về hoàn cảnh thất lạc gia đình của mình, người phụ nữ đó thấy thương và dẫn chị về nhà cho ăn, cho ở.

Sau 39 năm lưu lạc, mẹ con bà Yến mới gặp nhau...
Sau 39 năm lưu lạc, mẹ con bà Yến mới gặp nhau...

Mảnh đời tưởng như an phận với vùng núi Bình Sơn. Ngày ngày chị đi chăn trâu cắt cỏ, tối về lại chăm heo, nuôi gà vịt. Mặc dù chị sống không thiếu thốn, nếu không nói là no đủ trong sự đùm bọc của những người cưu mang chị thế nhưng, tuổi càng lớn, nỗi nhớ về gia đình, anh chị em, ba mẹ lại càng lớn dần. Cố gắng làm lụng, chắt chui những đồng tiền ít ỏi có được qua những lần làm thuê, làm mướn, sau 19 năm chung sống với gia đình đã cưu mang, chị xin được đi tìm lại gia đình mình. Lại tiếp tục cuộc sống nay đây, mai đó, vừa đi vừa làm thuê, làm mướn. Đêm thì đi nhặt phế liệu. Ngày đi rửa chén bát.

Chị đăng tin tìm gia đình trên đài truyền hình nhưng hàng tháng trời vẫn không có thông tin nào hồi âm. May mắn, sau Tết người thân của chị ở huyện Tư Nghĩa đã xem được và liên lạc với đài truyền hình Quảng Ngãi. Chiều 21.01.2014, chị Bê được gia đình đưa về nhà đoàn tụ.

Cổ tích ngày đoàn viên

Được người thân tới nhận và đưa về lại nhà cũ, ngôi nhà của chị Bê vẫn nằm đó, không có gì khác ngoài việc được sửa sang lại để tránh mưa, tránh nắng. Bên cạnh là nhà của anh trai và em trai.

Niềm vui vỡ oà ngày đoàn tụ.
Niềm vui vỡ oà ngày đoàn tụ.

39 năm xa cách, ngay cả người mẹ rứt ruột đẻ ra chị cũng phải một hồi ngần ngừ mới nhận ra chị. Bà Yến ngẹn ngào kể trong nước mắt “sau trận bom đó, không thấy đứa con của mình. Hỏi ai cũng nói là nó đã chết, nhưng chết thì tại sao không thấy xác đâu. Gia đình vẫn không tin là con mình đã chết.

Một thời gian sau đó, gia đình cũng không làm ăn được gì, chỉ biết lao vào Nam, ra Đà Nẵng tìm con. Người chồng vì sức khỏe yếu, lại thương nhớ con cũng ra đi trong một lần bạo bệnh. Còn bà với mấy đứa con, lo cho chúng ăn chưa đủ, điều kiện đâu mà đi tìm. 30 năm vẫn không có thông tin gì của con gái đành phải lập cho con một bàn thờ”.

Khi nghe đã tìm được em gái, anh Võ Hòa (58 tuổi) từ Bà Rịa - Vũng Tàu cùng vợ tức tốc về quê. Anh nói, khi nhìn thấy anh đã nhận ra ngay đó là em mình. Vì hồi lạc em, anh cũng đã gần 20 tuổi, nên nhớ rất rõ. Đặc biệt theo anh, Bê có nhiều nét rất giống mẹ.

Trong không khí quây quần, chị Bê thấy lòng bình an và ấm áp. Những năm tháng cơ cực xa gia đình giờ đã lùi xa mãi mãi. Còn bà mẹ nhìn con với đôi mắt mờ đục vì đã khóc nhiều trong ba mươi chín năm xa cách.