Bà Nguyễn Thị Tố Hằng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, TAND Tối cao đang nghiên cứu, thẩm định bản án của TAND TP.Thái Bình yêu cầu TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường thiệt hại cho công dân Lương Ngọc Phi (tỉnh Thái Bình) số tiền hơn 21 tỷ đồng.
Sau khi thẩm định xong, TAND Tối cao sẽ chuyển hồ sơ bản án sang Bộ Tài chính để trích ngân sách nhà nước bồi thường cho ông Phi theo đúng quy trình.
Bà Hằng khẳng định Cục Bồi thường Nhà nước sẽ giám sát việc thực hiện bồi thường thiệt hại oan sai cho ông Phi.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 4.1998, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Lương Ngọc Phi, Giám đốc Công ty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình (trụ sở đặt tại TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình), về hành vi “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Một tháng sau, ông Phi bị bắt giam. Toàn bộ tài sản của ông Phi và công ty đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình phát mại với giá rẻ mạt.
Đến tháng 9.2009, TAND tỉnh Thái Bình đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt ông Phi 14 năm tù về tội danh trên. Ông Phi kháng án và đến ngày 26.4.2000 Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã tuyên ông Phi không phạm tội “lợi dụng tín nhiệm”; tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại từ đầu.
Ông Lương Ngọc Phi mỏi mòn chờ đợi TAND tỉnh Thái Bình bồi thường hơn 21 tỷ đồng sau khi phải chịu bản án oan.
Đến cuối năm 2003, Viện KSND tỉnh Thái Bình ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Phi sau 35 tháng bị bắt giam oan.
Sau khi được TAND tỉnh Thái Bình xin lỗi công khai tại nơi cư trú, ông Phi phải mất nhiều năm trời lao tâm khổ tứ đòi bồi thường án oan. Sau 6 lần thương lượng bất thành với hai cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình, ông Phi đã phải khởi kiện ra tòa đồi bồi thường sau khi phải chịu án oan.
Trong vụ “kiện đòi bồi thường tổn thất về tinh thần và thu nhập thực tế”, TAND TP.Thái Bình đã tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi 600 triệu đồng. Năm 2010, ông Phi đã nhận được số tiền này.
Tuy nhiên, vụ ông Phi kiện TAND tỉnh Thái Bình và Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình “đòi bồi thường thiệt hại về tài sản” dây dưa nhiều năm trời và liên tục bị hoãn lại. Tới tháng 8.2013, TAND TP.Thái Bình mới mở lại phiên xử và tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi số tiền trên 21 tỷ đồng vì đã ra bản án oan, gây thiệt hại về tài sản cho ông. Ngoài ra, tòa cho rằng Công an tỉnh Thái Bình không có trách nhiệm trong vụ việc này nên bác yêu cầu đòi bồi thường 27 tỷ đồng của ông Phi.
“Đến nay bản án đã có hiệu lực 8 tháng rồi nhưng tôi vẫn chưa nhận được thông tin nào về thời điểm họ (TAND tỉnh Thái Bình - PV) sẽ bồi thường cho tôi cả. Cả gia đình tôi đều rất mệt mỏi về vụ việc này rồi. Chỉ mong sớm được bồi thường để chấm dứt vụ việc, còn đi làm việc khác”, ông Phi nói.
Việc đòi bồi thường về tổn thất và tinh thần cho án oan 10 năm của ông
Nguyễn Thanh
Chấn còn hết sức gian nan.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Tố Hằng cho biết cơ quan này cũng đang hỗ trợ
pháp lý, tư vấn những việc cần phải làm cho gia đình ông
Nguyễn Thanh
Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đòi bồi
thường sau khi phải ngồi tù oan hơn 10 năm trời.
Theo trình tự, cơ quan tố tụng có trách nhiệm liên quan trực tiếp tới việc truy tố, xét xử ông Chấn sẽ phải tổ chức xin lỗi công khai ông Chấn và gia đình tại nơi cư trú. Sau đó giữa hai bên sẽ thỏa thuận về mức tiền bồi thường cho những tổn thất về vật chất và tinh thần mà ông Chấn đã phải gánh chịu án oan hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm xin lỗi công khai và thỏa thuận bồi thường với gia đình ông Chấn.
Ngày 19.4, gia đình ông Chấn đã có đơn yêu cầu Tòa phúc thẩm TAND Tối cao xin lỗi công khai ông và gia đình tại nơi cư trú (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang); đồng thời tính toán bồi thường thiệt hại cho những tổn thất về vật chất và tinh thần mà ông và gia đình đã phải gánh chịu trong suốt hơn 10 năm qua chịu án oan.