Dân Việt

Tư vấn: Đến thăm người mắc sởi, con rất dễ bị lây chéo

Diệu Linh 21/04/2014 14:59 GMT+7
Hiện tình hình nhiễm chéo bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư đã giảm tuy nhiên không bền vững. Do đó, nếu không bị bệnh nặng, cần điều trị ở tuyến cuối thì người dân nên hạn chế đưa con vào Bệnh viện Nhi T.Ư.
Hỏi:

Con tôi được 32 tháng, cháu đã tiêm 1 mũi vaccin phòng sởi, rubela, quai bị, nhưng Chủ nhật tuần trước (ngày 13.4), tôi và con gái vào thăm đứa cháu bị bệnh hô hấp nằm tại khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư. Con tôi không tiếp xúc với cháu bé mà chỉ nói chuyện với bà và mẹ của bé. Bà hôm sau thì đứa cháu bị sốt phát ban và được chẩn đoán mắc sởi. Tôi rất lo lắng vì ngày 19.4, con tôi cũng bị sốt cao 38,5 độ, ho nhiều và có vẻ mệt. Vậy xin hỏi con tôi có bị mắc sởi không? Đi bệnh viện bây giờ rất sợ lây nhiễm. Tôi nên cho con đi khám ở đâu thì an toàn?

Vững Nguyễn Thị (ntvung2410@...)

Trả lời:

Do tình hình quá tải, bệnh nhân nằm ghép nhiều, virus sởi lại dễ lây nên xảy ra tình trạng nhiều trẻ bị nhiễm chéo sởi khi đến viện để điều trị các bệnh khác. Những trẻ đến khám, người đến thăm bệnh nhân cũng đều có nguy cơ mang virus về nhà. Virus sởi lây qua đường hô hấp, từ dịch nước bọt, nước mắt, nước mũi của người bệnh và lây sang người khác. Con chị không cần tiếp xúc gần mà chỉ cần hít không khí, cầm nắm vào những đồ vật trong viện cũng có thể bị “dính” virus.

Đáng chú ý, do thời gian ủ bệnh kéo dài, trung bình tới 10 ngày nên sởi có thể lây bệnh ngay từ khi bệnh còn chưa khởi phát, nghĩa là trong khoảng thời gian ủ bệnh, virus sởi từ người mang mầm bệnh đã có thể lây cho người khác.

img
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, con chị đã tiêm vaccin phòng sởi nên khả năng lây bệnh là rất thấp. Cũng có nhiều bệnh có triệu chứng sốt cao, ho giống như bệnh sởi. Tuy nhiên, để biết chính xác con chị có bị sởi hay không thì phải đợi ban mọc sau 3-4 ngày sốt. Ban bắt đầu mọc từ trong miệng (các đốm trắng li ti), sau đó lan ra mặt, cổ. Mắt trẻ cũng bị viêm kết mạc, đỏ và kèm nhèm, ho nhiều, có khi bị tiêu chảy. Ban sởi sờ gợn tay chứ không mịn như sốt phát ban.

Để chắc chắn, chị nên cho con đến cơ sở y tế ban đầu, nơi con chị có đăng ký bảo hiểm y tế để khám cho cháu và điều trị đúng bệnh. Nếu cháu bị bệnh sởi thật thì nên theo hướng dẫn của bác sĩ, sau đó điều trị cho cháu tại nhà. Bệnh sởi đa phần là tự khỏi, chỉ có một phần nhỏ có biến chứng. Chị nên tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng cách bổ sung vitamin A, cho trẻ ăn thức ăn bổ dưỡng và vệ sinh cơ thể cho trẻ bằng nước ấm.

Tính đến ngày 16/4, theo thống kê, cả nước đã có hơn 7.000 ca mắc sởi. 111 trẻ em qua đời do sởi trong khoảng thời gian chỉ vỏn vẹn 3 tháng. Số lượng người lớn phải vào viện cấp cứu do những biến chứng của sởi cũng đang tăng vọt. Dịch bệnh nguy hiểm này ngày càng lan tràn và có diễn biến vô cùng phức tạp.

Nhằm giúp độc giả có những kiến thức cơ bản để phòng và chữa bệnh, Dân Việt mở chuyên đề "Tư vấn ứng phó với dịch sởi". Những thắc mắc của độc giả về bệnh sởi sẽ được giải đáp nhanh, chính xác và đầy đủ qua sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế.

Các câu hỏi xin gửi về địa chỉ mail loisongsuckhoe@gmail.com.