Tại World Cup 2010 đang diễn ra trên đất Nam Phi, ở vòng tứ kết, nghi thức này lại được lặp lại. Đội trưởng hai đội đọc xong bản thông điệp thì một tấm băng lớn mang dòng chữ Say No to racism được mang ra sân cho mọi người cùng thấy.
Điều này thực có ý nghĩa, khi World Cup 2010 lần đầu tiên được tổ chức ở Nam Phi, ở lục địa đen, nơi màu da con người thường bị trở thành mục tiêu cho những phần tử cực đoan, kỳ thị chủng tộc có những phát ngôn, hành động vô nhân tính, vô văn hóa. Con người dù khác màu da, chủng tộc, nhưng có chung ngôi nhà quả đất, có chung những ước vọng mang bản chất loài người. Bình đẳng giữa các màu da, các quốc gia, dân tộc. Bình đẳng cho mọi con người dù ở góc hành tinh nào.
Điều này thực có ý nghĩa, khi thế giới còn nhiều những bất công đau đớn, còn bị những hàng rào thành kiến chia cắt. Trái đất xanh như một quả cam, thi sĩ Paul Éluard nói vậy. Trái đất nhìn từ ngoài vào như một trái bóng bay trong không trung do một bàn chân vô hình huyền nhiệm nào đó khởi động từ tiền kiếp.
Quả cam trái đất chưa phải đã ngọt toàn phần. Quả bóng trái đất chưa phải đã bay theo quỹ đạo tinh thần con người mong muốn. Nhưng mà cam là phải ngọt, bóng là phải bay. “Quả bóng xanh bay giữa bầu trời xanh”, ước vọng như trong câu hát trẻ thơ Việt Nam. Vậy thì “Time to make friends!”. Bên nhau trong những giờ phút say sưa bóng đá, cả hành tinh trái đất đã là một sân bóng, cả nhân loại là anh em bạn bè.
Say no to racism! Được phát ra hồi World Cup 2006 từ nước Đức từng là lò lửa chiến tranh chủng tộc, câu khẩu hiệu này sẽ bay theo những đôi chân cầu thủ, lăn theo vòng quay trái bóng, 4 năm một lần vang lên trên các sân cỏ ở các châu lục cho con người sống trong niềm vui, hạnh phúc, bình an.
Phạm Xuân Nguyên