Trước khi bước vào ngành nông nghiệp, Nguyễn Văn Long là một doanh nhân khá thành đạt trong lĩnh vực... khai khoáng. Cứ tưởng dừng bước tại đây sau khi thôi làm công chức để mở công ty riêng vào năm 1997, vậy nhưng sau những lần ra nước ngoài, những nước có nền nông nghiệp phát triển đã làm ông thay đổi quyết định. Ông bị hút hồn bởi những cánh đồng rộng bát ngát, được cơ giới hóa toàn bộ từ trồng trọt đến chăm sóc, thu hoạch; nông sản làm ra theo quy trình sạch, có chất lượng, đồng đều, nên có giá cao.
Cơ duyên với rau sạch
Một lần, tại Paris (Pháp) khi mời một người bạn đi ăn, gọi đĩa rau muống, ông bất ngờ với cái giá 16 Euro. Và tại Sài Gòn, ở các khách sạn hạng sang, các loại rau trong thực đơn cũng rất đắt do nhập từ nước ngoài. Từ chi tiết nhỏ này, ông tìm hiểu và nhận thấy giá trị cây rau được nâng lên chỉ khi canh tác bằng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất, có nghĩa từ khi trồng đến khi lên bàn ăn đều phải rất sạch.
Ông tìm hiểu chương trình trồng rau an toàn của Sở NN&PTNT TP.HCM. Nhiều lần cùng Hội Doanh nghiệp Hóc Môn đi trao nhà tình nghĩa, chứng kiến còn quá nhiều người dân sống khổ ngay trên mảnh đất của mình, dù họ chăm chỉ, cần cù làm việc nhưng giá trị thu hoạch quá thấp. Nhiều lúc giá không đủ bù đắp công thu hoạch, nông dân phải bỏ rau chết khô trên đồng ruộng. Ông quyết định tìm cách cùng bà con trồng rau sao cho đạt quy trình rau sạch, từ đó tìm đầu ra ổn định cho rau sạch và đảm bảo thu nhập cho người trồng rau.
Cơ quan nhà nước khi đó mới hỗ trợ người trồng rau sạch nhưng chỉ hỗ trợ tiền, khoa học kỹ thuật, còn đầu ra thì lại khoán trắng cho họ. Hơn nữa, nông dân phải tuân theo nhiều tiêu chuẩn nhưng sản phẩm làm ra giá cũng không bằng rau không có nguồn gốc, hay nói cách khác, không bằng “rau không sạch”.
Để khắc phục các khiếm khuyết trên, ông tập trung xây dựng xưởng sản xuất phân hữu cơ, xây nhà xưởng sơ chế, chủ động tìm đầu ra cho nông dân. “Giải quyết được các vấn đề này thì nông dân sẵn sàng gắn bó với chương trình” - ông giải thích.
Cùng làm, cùng hưởng với nông dân
Từ nghề khai khoáng chuyển sang nghề trồng và kinh doanh rau, ông không được gia đình ủng hộ vì công ty ông đang làm đang phát đạt. Nhưng ông vốn là nông dân, những năm tháng làm công chức, rồi nghề khai khoáng, ông vẫn nghĩ đến việc phải làm một cái gì đó thuộc về ngành nông nghiệp cho quê hương mình, cho bà con nông dân.
Ông chọn nghề trồng rau còn vì một lẽ nữa là biết nguyên nhân sâu xa của những vụ ngộ độc thực phẩm, nông dân bỏ thuốc kích thích, dùng thuốc bảo vệ thực vật quá mức… Bà con nông dân hiểu biết khoa học kỹ thuật không nhiều, vì cái lợi trước mắt, nên có khi coi thường sức khoẻ người khác và của cả chính mình.
Cái khó không phải là xây dựng quy trình sản xuất rau sạch mà là thuyết phục được nông dân theo chương trình này. Ông đã xuống cùng thực hành với bà con trên cánh đồng rau.
“Mình hiểu nông dân và làm đúng những cam kết thì không cần ký hợp đồng, bà con cũng theo mình tới cùng” - ông nói chắc nịch. Nông dân thu hoạch bao nhiêu rau, ông mua hết. Ngay cả lúc thị trường không hút hàng hay giá rau giảm, ông vẫn mua đúng giá đã cam kết và luôn thanh toán ngay cho bà con để họ có tiền giải quyết cuộc sống.
“Những gì của nông dân làm ra phải trả hết cho họ, tôi chỉ kiếm lợi nhuận trên thương hiệu của công ty” - ông nói.
Hiện nay Hương Cảnh đang đầu tư cho nông dân bình quân 8 triệu đồng/ha, bao gồm máy xới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tủ thuốc gia đình… và mua sản phẩm với mức giá cao hơn thị trường từ 5 - 15%.
Ông Long chọn người hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng rau từ chính những nông dân đang sản xuất rau sạch cho ông. Họ là những người có diện tích trồng rau khá lớn, kinh doanh có hiệu quả. Theo ông, như vậy họ nói, bà con mới nghe theo hơn là các cơ quan đứng ra tổ chức tập huấn.
Xuất khẩu rau sạch sang 9 nước
Hương Cảnh đã ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân 6 xã của huyện Hóc Môn với diện tích 750ha, gồm 67 loại rau củ, như rau muống, các loại rau thơm, rau cải, cà chua, cà tím, dưa leo… Sản phẩm theo quy trình VietGAP của công ty đang xuất khẩu sang 9 nước châu Âu và châu Á với khoảng 100 tấn/tuần, đồng thời được phân phối vào hệ thống siêu thị Metro, Co.opMart, Maximax… khoảng 150 tấn/ngày.
Minh Phương