Dân Việt

Chờ “cây đũa thần” của tân Chủ tịch VFF

Chính Minh 10/04/2014 10:55 GMT+7
Trong thời điểm bóng đá Việt Nam (BĐVN) đang đứng trước vô vàn thách thức, ông Lê Hùng Dũng đã mạnh dạn nhảy vào “ổ kiến lửa” (lời của chính ông Dũng). Vấn đề đặt ra là liệu ông Dũng có đủ “nội công” để hồi sinh một cơ thể đã dính “bách bệnh” như nền BĐVN?
Vẫn là “ngọc trong đá”

Không phải bây giờ mà từ lâu rồi, bất kỳ người làm bóng đá nào cũng hiểu tiềm năng phát triển của BĐVN. Những ngôi sao lớn trên thế giới từng đặt chân tới Việt Nam trong khoảng 20 năm qua từ Gianluca Vialli, Hristo Stoichkov, David Beckham, Andy Cole, Fabio Cannavaro, Peter Schmeichel, Dwight Yorke… đều thừa nhận cảm thấy ngỡ ngàng trước tình yêu bóng đá của người hâm mộ trên dải đất hình chữ S.

Thầy trò HLV Wenger (Arsenal) tới thi đấu giao hữu với đội tuyển Việt Nam hồi giữa tháng 7.2013 cũng nhận được những tình cảm vô cùng nồng hậu, và đậm nét nhất là hình ảnh “Running man” Vũ Xuân Tiến mải miết chạy bộ theo xe chở các Pháo thủ... Vậy nhưng tại sao sau bao năm nỗ lực làm bóng đá chuyên nghiệp, BĐVN chẳng những không nhích lên được chút nào, mà chỉ thụt lùi?

Đến lúc này thì đã “chạm đáy” gắn với vô số tồn tại ở V.League (tiêu cực, bạo lực sân cỏ), đội tuyển quốc gia và đội U23 liên tiếp bị loại ngay từ vòng bảng AFF Cup 2012, SEA Games từ năm 2013. Nhiều người đã ví BĐVN như một cơ thể đã “ủ bệnh” từ lâu, giờ thì đã hết thuốc chữa, chỉ có xóa đi làm lại từ đầu mới mong vực dậy nổi.

Ông Lê Hùng Dũng (giữa) đang được kỳ vọng sẽ làm được nhiều điều cho bóng đá Việt Nam trong tương lai.
Ông Lê Hùng Dũng (giữa) đang được kỳ vọng sẽ làm được nhiều điều cho bóng đá Việt Nam trong tương lai.

Vì đâu ở một đất nước có tiềm năng phát triển môn thể thao vua như thế, người dân yêu bóng đá và chơi bóng đá ở mọi nơi, mọi lứa tuổi mà bóng đá đỉnh cao chưa phát triển? Đây cũng là câu hỏi mà các đời HLV cả ngoại lẫn nội dẫn dắt các đội tuyển đều trăn trở, nhưng mới chỉ có HLV Calisto may mắn “giải” được một lần với danh hiệu Vô địch AFF Cup 2008. Phía trước, Ban chấp hành VFF khóa VII (2014-2018) với vai trò “thủ lĩnh” của ông Lê Hùng Dũng sẽ làm gì để “phá đá”, giúp lộ ra “chất ngọc” của BĐVN?

Tham gia cách mạng từ năm 11 tuổi

So với các đời Chủ tịch VFF khác, ông Lê Hùng Dũng tỏ ra rất tự tin và có sự chuẩn bị rất chu đáo trên hành trình ngồi vào “ghế lửa”. Việc ông Dũng cùng ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn HAGL đưa được đội hình mạnh nhất của Arsenal tới Việt Nam có ý nghĩa như một lời giới thiệu bản thân tốt nhất trước đông đảo dư luận.

Với giới truyền thông và những người làm nghề, ngoài bài phát biểu khai mạc dài hơn 10 trang A4 có ý nghĩa như chiến lược cơ bản để phát triển BĐVN đọc tại Đại hội VFF, ông Dũng cũng rất tinh tế khi quyết định tặng cuốn sách “Lê Hùng Dũng - 60 năm với đời”. Đọc cuốn sách gần 300 trang với hình ảnh sống động, nhiều người sẽ hiểu phần nào về thân thế của ông: Gia đình cách mạng, ông Dũng phải lấy họ mẹ để bảo đảm sự an toàn trong thời gian cha mình là ông Nguyễn Quyền Sinh- nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam tham gia kháng chiến; bản thân ông Dũng cũng tham gia cách mạng từ năm 11 tuổi và được nhận Huy chương Kháng chiến hạng Nhất năm 1984)...

Người ta cũng hiểu rõ hơn về sự nghiệp của ông Dũng: Trưởng thành từ phong trào học sinh, sinh viên; là người từng trải (đã đi khắp các châu lục trên thế giới với rất nhiều người bạn), có mối quan hệ tốt với Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới Sepp Blatter, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu Michel Platini...

Tâm huyết của ông Dũng với nền bóng đá nước nhà cũng được thể hiện rõ trong cuốn sách của mình. Những người mà ông Dũng coi như là bạn trong giới làm bóng đá đã xuất hiện trong sách gồm ông Nguyễn Trọng Hỷ - nguyên Chủ tịch VFF, ông Đoàn Nguyên Đức, ông Phạm Ngọc Viễn – Tổng Giám đốc VPF, ông Lê Thế Thọ, cựu tuyển thủ Lê Huỳnh Đức, Kiatisuk. Qua những tấm ảnh, ông Dũng cũng “khéo léo” thể hiện mình có tâm hồn rất nghệ sĩ khi yêu nhạc, thơ (có mối quan hệ thân thiết với nhà thơ Nguyễn Duy)… Bản thân mình cũng viết báo đầy cảm xúc với những bài viết về cha, về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết…

Về cơ bản, qua những phát biểu của ông Dũng trong suốt thời gian qua, cộng với tài liệu tham khảo là cuốn sách “Lê Hùng Dũng - 60 năm với đời”, những ai chưa từng tiếp xúc trực tiếp với ông Dũng cũng có cảm nhận ban đầu về một vị tân Chủ tịch VFF có tâm với nghề và có thể tin cậy được.

Chờ ông Dũng “lột xác” bóng đá Việt Nam

Thực tế, từ trước khi chính thức nhận vị trí Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng đã rất thẳng thắn nói về mình trong cuộc trao đổi thông tin với báo chí trước thềm Đại hội VFF cách đây gần 1 tháng: “Tôi sẽ làm việc không lương. Nếu làm bóng đá kiểu an toàn, lo giữ ghế thì tôi đã không nhận nhiệm vụ. Trong nhiệm kỳ của mình, tôi sẵn sàng “chịu đòn”, miễn sao tạo ra sự phát triển cho bóng đá nước nhà. Khi mọi thứ đã ổn rồi, hết nhiệm kỳ VII, tôi sẽ nghỉ ngay”.

Ông Dũng cũng bày tỏ thêm trong những năm làm Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF, ông không muốn nhận lương: “Nhưng lúc đó, nếu tôi không nhận thì các anh em khác cũng chẳng ai nhận. Vậy nên, thường khi kế toán bảo tôi ký nhận lương thì tôi ký. Còn số tiền, tôi thường mang chia cho những người có hoàn cảnh khó khăn ở VFF” - ông Dũng tâm sự bên lề.

"Bài học tôi rút ra từ cuộc đời đã sống là: Luôn tận tâm, hết lòng với công việc, với mọi người, luôn sống thực với mình và với mọi người rồi mọi việc tốt đẹp dần dần sẽ đến…”.
(trích “Lê Hùng Dũng- 60 năm với đời”)

“Bật mí” về cách thức vực dậy tổ chức VFF nói riêng và BĐVN nói chung trong tương lai, trong phần cuối cuốn sách của mình, ông Lê Hùng Dũng đã giúp nhiều người phần nào hình dung được ý tưởng qua bài viết về hành trình phát triển Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC): “Mô hình, chức năng, nhiệm vụ và vân vân… chỉ là cái vỏ của phần cứng. Còn phần cốt lõi là vấn đề con người và các mối quan hệ… Kinh nghiệm là người số 1 là chính ủy nhưng phải biết cách đứng sau chỉ huy gián tiếp bộ máy qua một đầu mối, đó là người số 2. Người thứ 2 là tư lệnh trực tiếp điều hành toàn bộ hệ thống theo sự phân cấp bậc thang. Với cách làm này, ai cũng xác định được vị trí, trách nhiệm trong hệ thống. Và sau đó là phải biết tổ chức, động viên mọi người làm việc một cách nhẫn nại, kiên trì, giải quyết từng việc, từng việc nhỏ, toàn tâm và thực tâm đưa công ty phát triển thì tất yếu mọi điều tốt đẹp sẽ đến”.

Nói cách khác, với cách làm của ông Dũng, trong thời gian tới, cả 3 Phó Chủ tịch và 19 ủy viên Ban chấp hành VFF khóa VII, mỗi người sẽ nhận thức rõ nhiệm vụ của mình chứ không có chuyện 1 năm chỉ biết lên họp vài lần rồi về… “ngồi chơi xơi nước”. Với ông Lê Hùng Dũng, mọi thứ sẽ được quay về “chính đạo” đàng hoàng, mọi thứ phải được minh bạch chứ không có chuyện mập mờ. Điều này thể hiện rõ qua bí quyết để có thể thong dong quản lý một lúc 2-3 doanh nghiệp: “Làm doanh nghiệp thì có 3 điều cốt tử-đóng thuế đầy đủ, không vi phạm pháp luật, chăm lo tốt cho đời sống của anh em” (trích “Lê Hùng Dũng – 60 năm với đời”).