Bị bỏ mặc?Những người tham gia biểu tình cáo buộc rằng Thủ tướng Yingluck đã bỏ mặc nông dân trong mớ bòng bong của chương trình trợ giá gạo gây nhiều tranh cãi.
Nông dân Thái Lan tức giận biểu tình ngày 17.2.
Chương trình trợ giá gạo của Thái Lan, vốn đã đưa bà Yingluck lên nắm quyền hồi năm 2011, đang vấp phải khó khăn là không thể thanh toán và dẫn tới việc hàng nghìn nông dân đang biểu tình ở thủ đô Bangkok đòi trả tiền gạo. Hãng tin Reuters cho biết, mới đây chính quyền Bangkok đã vay được 153 triệu USD từ ngân hàng để trả tiền cho nông dân trồng lúa. Tuy nhiên chính quyền vẫn chưa trả tiền cho nông dân. Số tiền này cũng là rất ít ỏi so với tổng số 3,99 tỷ USD chính quyền Thái Lan đang nợ 1 triệu nông dân.
Chính phủ Thái Lan đã nợ tiền mua gạo của nông dân từ nhiều tháng qua, khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh nợ nần. Chính vì thế, cuộc biểu tình của nông dân trồng lúa đã nổ ra. Những người phản đối cho rằng chương trình trợ giá gạo của Thủ tướng Yingluck gây ra tình trạng tham nhũng ồ ạt, tài chính công bị thâm thủng nghiêm trọng và Thái Lan bị mất vị trí quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới, gạo tồn kho lên tới 18 triệu tấn.
Trước đây, Chính phủ Thái Lan hy vọng, việc tích trữ gạo sẽ gây khan hiếm và làm tăng giá trên thị trường quốc tế, qua đó có thể bù đắp lại những khoản chi cho nông dân. Tuy nhiên, chính sách này bị phá sản, vì các đối thủ cạnh tranh, như Ấn Độ, Việt Nam đã bất ngờ nâng mức xuất khẩu gạo.
Ông Ammar Simawalla - thuộc Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan cho rằng: “Ngành sản xuất gạo Thái Lan, trong tổng thể đã bị sụp đổ và uy tín của Thái Lan trên thị trường thế giới, với tư cách là nhà cung ứng đáng tin cậy về gạo có chất lượng đã biến mất”. Theo dự báo, trong năm 2014, Thái Lan chỉ xuất khẩu được 7,5 triệu tấn, giảm 30% so với mức của năm 2011. Chính phủ Thái Lan không công bố mức tốn kém của chương trình trợ giá gạo, nhưng Viện Nghiên cứu phát triển đưa ra con số từ 3,4 - 4,4 tỷ euro, tương đương 6-8% ngân sách nhà nước.
Sẽ mạnh tayTrước những diễn biến cuộc biểu tình của nông dân đang ngày càng phức tạp, sau thời gian dài “nhẹ tay” với người biểu tình, ngày 17.2, Bộ trưởng Lao động tạm quyền Chalerm Yoobamrung, với tư cách là người đứng đầu trung tâm duy trì hòa bình và trật tự thuộc Chính phủ Thái Lan, đã dọa trấn áp người biểu tình tại bất kỳ khu vực nào nếu họ tụ tập thành các nhóm nhỏ.
Ngày 17.2, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã chỉ thị quân đội tăng cường an ninh xung quanh các khu vực biểu tình ở thủ đô Bangkok để ngăn chặn xảy ra bạo lực.
|
Ông Chamlerm cho biết hành động trấn áp này sẽ được thực thi đối với người biểu tình do thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã không giữ cam kết trước đó là chỉ biểu tình tại những địa điểm nhất định. Ông cũng xác nhận thông tin nói rằng sáng cùng ngày, thủ lĩnh Suthep đã lãnh đạo hàng nghìn người biểu tình bao vây tòa nhà Chính phủ Thái Lan để ngăn cản thủ tướng tạm quyền quay lại làm việc tại trụ sở này. Cùng ngày, một nhóm người biểu tình khác đã xông vào trụ sở Bộ Giáo dục và buộc các nhân viên phải ngừng làm việc và về nhà.
Trước đó, cảnh sát Thái Lan đã có chiến dịch chiếm lại khu vực mà người biểu tình chiếm đóng, tuy nhiên đã không thực sự quyết liệt.