Không khí ở một góc "Lục bát quán". |
Đông nhất là... các cụ
Sáng 12-9, tại Trung tâm triển lãm VHNT VN số 2 Hoa Lư, Hà Nội nhiều hoạt động trong khuôn khổ lễ hội thơ đã diễn ra, thu hút chừng 2.500 hội viên CLB thơ VN và các CLB thơ, chiếu thơ nhiều vùng miền.
Các đại biểu, hội viên, đã cùng dự lễ dâng hương, cuộc thi thơ lục bát tứ tuyệt tại chỗ, phát hành cuốn thơ "Lộc phát Canh Dần", tổng kết trao thưởng cuộc thi thơ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, ký tên ủng hộ ý tưởng đệ trình thơ lục bát là di sản thế giới…
Tại nhiều địa điểm như khu vực chợ quê với các thức ẩm thực quê mùa giản dị, hội trường khu triển lãm…, các thi huynh, thi hữu chia thành nhiều nhóm giao lưu, đọc, tặng thơ khá rôm rả.
Ở bàn lấy chữ ký, chị Nguyễn Thanh Hương - thành viên BTC cho biết: Mọi người rất hồ hởi ký tên và cảm thấy như làm vinh dự cho thơ VN. Số người ký ước chừng vượt qua số khách mời rất nhiều, có lúc lượng người đông đến nghẹt thở.
Cụ Đình Quỳnh ở Phú Lãm, Hà Đông cho biết: Do không nhận kịp giấy mời nên chúng tôi đi không đông lắm (nhưng cũng đến vài xe ô tô). Còn mọi khi là chật hội trường cơ! Ra đây gặp các bạn từ các tỉnh rất thú vị. Chúng tôi chụp ảnh lia lịa, thơ cầm không hết, về sẽ còn phải đọc, viết bình luận và liên lạc để trao đổi.
Nhiều cụ khi được hỏi đều coi đây là một sân chơi bổ ích, tốt cho tuổi già. Cụ Lê Đăng Khoa, ở xã Hoàng Phú, Hoằng Hoá, Thanh Hoá, giải 3 thơ Đường luật toàn quốc, phấn khởi nói: "6 con đưa tôi ra đây, chụp ảnh cho bố. Tôi rất hay tham gia sinh hoạt thơ ở địa phương. Với người cao tuổi, như thế là quý lắm, vì nó làm não không bị lão hoá, phải suy nghĩ, phải có nguồn vui để kích động tinh thần của mình".
Cần quy củ hơn
Để có cuộc vui này, các thành viên BTC từ các đơn vị: CLB thơ VN, website lucbat.com, báo Người Hà Nội, báo Người cao tuổi, Trung tâm Triển lãm VHNT VN… đã chuẩn bị từ lâu. Phó Chủ tịch Thường trực CLB thơ VN Lê Hùng cho biết: "Hàng năm sẽ làm thành nề nếp, chúng tôi tổ chức lễ hội vào 6-8 âm lịch chứ không phải vào 5-8 như năm nay. Chúng tôi mong mỏi lục bát sẽ được gọi là quốc thi của VN và hoạt động này sẽ có khí thế, được duy trì lâu dài và trở thành dấu ấn".
Tất nhiên, không cuộc vui, cuộc chơi nào trọn vẹn, và ở lễ hội lần đầu này, có thể nhìn thấy không ít sự lộn xộn, ồn ào, vừa do hạn chế trong điều hành của BTC, vừa do sự phấn khích của các tổ, nhóm, hội thơ từ các địa phương, muốn được gọi là "nhà thơ", được nói lên "tiếng lòng" trong một dịp hiếm hoi, đông đảo như vậy.
Sau một số hoạt động lễ lạt, sang phần trao thưởng, sân khấu trung tâm nhanh chóng lộn xộn với cảnh người của BTC cứ đọc, còn mọi người cứ lên lên xuống xuống, chụp ảnh, "đi lượn" ngắm thơ treo trên sân khấu. Trong không gian sinh hoạt thơ, có khi diễn ra cảnh ở giữa có người lên đọc thơ còn các chiếu thơ cứ ăn uống, đàm đạo.
Ông Lê Xuân Thanh ở CLB thơ VN tại Cẩm Giàng, Hải Dương góp ý, sẽ tốt hơn nếu tổ chức chặt chẽ, đoàn nào quản của đoàn ấy, không nên đi lại tự do, mất tập trung. Bác Ngô Thịnh Vượng ở Mai Chung, Hiệp Hoà, Bắc Giang cho biết, chúng tôi xuống nhưng không biết có hoạt động gì mấy vì không nắm được chương trình và không được thông báo.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, hoạt động này nên bớt đi các lễ lạt và phát biểu, mà tăng thêm phần giao lưu, tặng thơ, tặng thư pháp… thì sẽ hay và đúng ý nghĩa hơn.
Và có lẽ sẽ hay hơn, nhuần nhị hơn nữa nếu BTC hướng các sinh hoạt của hội viên vào trao đổi, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ sáng tác, chứ không nên mải chạy theo những cái danh như "di sản thế giới", "quốc thơ", "quốc hồn"…
Hoàng Thi