Chúng ta đang sống trong những ngày tháng sôi sục về sự kiện lịch sử - 40 năm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị chiếm đóng trái phép. Với người dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, đây là mất mát quá lớn mà ai cũng cảm thấy đau đáu tận đáy lòng mình.
Ông Đặng Công Ngữ - Chủ tịch UBND Huyện đảo Hoàng Sa trả lời phỏng vấn
NTNN về sự kiện hải chiến Hoàng Sa đầy tâm huyết và cảm xúc.
TP.Đà Nẵng đang tích cực tổ chức hoạt động nhằm ghi dấu về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, nhắc nhở 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép (19.1). Ông có thể nói rõ hơn về các hoạt động này và ý nghĩa của nó đối với việc giữ đảo hiện nay?
- Có thể khẳng định, với người dân và lãnh đạo TP.Đà Nẵng, Hoàng Sa luôn là khúc ruột yêu thương. Chúng tôi luôn nhớ và khắc sâu vào tâm khảm rằng quần đảo Hoàng Sa là của Đà Nẵng, thuộc về đất nước Việt Nam. Từ trước đến nay cứ đến ngày 19.1, chính quyền và người dân TP.Đà Nẵng luôn có nhiều hoạt động nhằm ghi dấu sự kiện lịch sử này.
Những ý tưởng thiết kế nhà trưng bày về Hoàng Sa.
Riêng năm nay, chúng tôi có nhiều hoạt động đặc biệt hơn, như tổ chức triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử; hội thảo chuyên đề về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa cũng như các vấn đề có liên quan về Trường Sa và Biển Đông; gặp gỡ nhân chứng và tọa đàm truyền hình... Bên cạnh đó, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng phối hợp UBND huyện Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng, tổ chức triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam” tại các trường đại học trên địa bàn thành phố để giáo dục giới trẻ.
Quan điểm của ông - với tư cách Chủ tịch huyện Hoàng Sa - đối với cuộc hải chiến bảo vệ đảo Hoàng Sa bất thành 40 năm trước của quân đội Cộng hoà đối với quân TQ xâm lược?- Ngày 21.4.2009, tôi được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa nhiệm kỳ 2009-2014. Những năm qua tôi đã tích cực với nhiều hoạt động, việc làm đấu tranh làm sao để Hoàng Sa phải trở về với đất mẹ. Tôi nghĩ việc đấu tranh giành lại những gì là của mình là trách nhiệm chung của cộng đồng, của chúng tôi và của các bạn trẻ. Không chỉ thế hệ này mà còn cả thế hệ kế tiếp, chúng ta phải đòi cho được Hoàng Sa bằng công lý, bằng luật pháp quốc tế.
Các hoạt động sắp diễn ra sẽ cung cấp thêm tư liệu, chứng cứ gì mới về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa?
"Hoàng Sa là của Việt Nam - rất nhiều chứng cứ lịch sử khẳng định điều này và khi quần đảo thuộc chủ quyền của mình bị xâm chiếm là điều không thể chấp nhận được”. Ông Đặng Công Ngữ
|
- Hàng năm vào tháng 1, chúng tôi đều kỷ niệm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Mỗi thời điểm có những phương cách riêng. Về tư liệu, chứng cứ mới, dịp này Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng sẽ cho ra mắt đặc san số Xuân Giáp Ngọ 2014 với nội dung chuyên đề về Hoàng Sa. Trong đặc san này, những người nghiên cứu lịch sử của Đà Nẵng cũng sẽ công bố một số tư liệu mới, một số cái nhìn mới về vấn đề chủ quyền của Đà Nẵng, của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Được biết, hiện nay huyện đảo Hoàng Sa đang tổ chức cuộc thi thiết kế nhà trưng bày Hoàng Sa. Theo ông, nhà trưng bày này có ý nghĩa thế nào?- Cuộc thi phương án kiến trúc nhà trưng bày Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa phát động từ ngày 15.11 đến 25.12.2013 đã thu hút sự tham gia đông đảo của giới kiến trúc sư. Mặc dù thời gian rất ngắn nhưng đã có 43 đồ án kiến trúc tham gia dự thi. Tác phẩm đoạt giải phải là công trình có giá trị biểu tượng về Hoàng Sa. Không gian khắc họa dấu ấn địa lý, tự nhiên, lịch sử chủ quyền Hoàng Sa trong quần thể Biển Đông. Theo dự kiến, nhà trưng bày đặt ở đường Hoàng Sa trên khu đất rộng 685m2, gần công viên Biển Đông và nhìn ra Biển Đông. Đó là sự gắn kết thiêng liêng bao đời giữa không gian và văn hóa biển với con dân đất Việt. Ngoài ra, nhà trưng bày về Hoàng Sa còn gắn liền với các thiết chế khác, hình thành quần thể văn hóa-du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Xin cảm ơn ông !