Đó là khẳng định của ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Phó ban Phòng chống lụt bão TP.Đà Nẵng ngày 19.2, sau khi Bộ TNMT phản hồi lời “kêu cứu” của người dân thành phố bằng việc phủ quyết không sửa lại Dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa Đăk Mi 4, A Vương, Sông Tranh 2 (Quảng Nam)...
Tiếp tục bảo vệ lợi ích thủy điệnNhư báo NTNN số ra ngày 14.2 đã phản ánh, ngày 7.1.2014, Bộ TNMT đã gửi cho Đà Nẵng dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2” (Quảng Nam). Trong đó dự thảo này đã khống chế mực nước tại Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam)-một trong những nhánh sông Vu Gia cung cấp 80% lượng nước cho cả TP.Đà Nẵng- ở mức 2,53m để làm cơ sở cho vận hành hồ chứa.
Cho rằng Bộ TNMT khống chế mực nước này chẳng khác gì “bóp cổ” hạ du sông Vu Gia, nơi có 1,7 triệu dân sinh sống, UBND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất với Ban phòng chống bão lụt thành phố gửi kiến nghị lên Bộ TNMT, Văn phòng Chính phủ.
Dòng Vu Gia cạn khô vào mùa kiệt.
Giải quyết kiến nghị này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra một phương án có lợi cho cả thủy điện cũng như lợi ích của ngưới dân là chọn mực nước khống chế tại Ái Nghĩa với mức 2,8m trong suốt mùa cạn. Với phương án này thủy điện Đăk Mi 4 (nơi lấy 1,2 tỷ m3 nước hàng năm của sông Vu Gia) cũng chỉ phải trả lại cho sông Vu Gia 452,2 triệu m3 nước, tương đương với 38% lượng nước mà thủy điện này lấy của sông Vu Gia trong mùa cạn.
Tuy nhiên theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Bộ TNMT tiếp tục bảo vệ lợi ích thủy điện khi ra công văn phản hồi cho rằng Đà Nẵng thiếu thực tế khi đòi khống chế mực nước ở Ái Nghĩa là 2,8m vào mùa cạn. Ông Thắng cho biết, công văn phản hồi ý kiến của Bộ TNMT nêu: “Nhu cầu nước theo đề nghị của thành phố Đà Nẵng, diện tích tưới thiết kế là 46 nghìn hecta, thực tế là 36,3 nghìn hecta, đã bao gồm cả những diện tích không lấy nước trực tiếp trên các dòng chính sông Vu Gia, không phụ thuộc vào việc vận hành của các hồ này”.
Xem nhẹ lợi ích của dânTrao đổi với PV NTNN, ông Thắng quả quyết: “Nguyên nhân gây thiếu nước ở hạ du sông Vu Gia là nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 cắt dòng, chuyển nước sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện. Theo tính toán, hàng năm trong mùa cạn, trung bình thủy điện Đăk Mi 4 lấy đi 1,2 tỷ m3 nước của hạ du sông Vu Gia. Trong khi thủy điện A Vương chỉ bổ sung lại được 266 triệu m3, sau này thủy điện trên dòng Sông Bung xây dựng xong cũng chỉ bổ sung được 234 triệu m3. Như vậy hạ du sông Vu Gia trong mùa cạn vẫn thiếu 700 triệu m3 nước”.
Theo kết quả thống kê chuỗi thủy văn từ năm 1976 đến 2008 (trước khi có hồ thủy điện), mực nước trung bình 3 tháng nhỏ nhất tại trạm thủy văn Ái Nghĩa là 2,67m, trung bình 1 tháng nhỏ nhất là 2,53m. Trên thực tế, nếu đảm bảo được giá trị mực nước tại Ái Nghĩa từ 2,53m trở lên thì đáp ứng được nhu cầu nước hạ du. Trích công văn của Bộ TNMT
|
Một điều nữa cũng phải đề cập ở đây rằng, lợi ích của thủy điện Đăk Mi 4 tập trung ở việc phát điện trong mùa mưa. Còn mùa cạn, thực tế thủy điện Đăk Mi 4 chỉ phát điện được 2 tổ máy (tương đương 50m3/s) hoặc 1 tổ máy (tương đương 25m3/s) trong thời gian chỉ 12 giờ/1 ngày, thậm chí phải dừng dài ngày mới đủ nước phát điện.
“Đưa ra con số này để thấy rằng lợi ích của thủy điện trong mùa cạn là không thấm tháp gì với lợi ích của 1,7 triệu dân và 10.000ha diện tích hoa màu ở hạ du đang luôn thường trực khan hiếm nước”- ông Thắng cho hay.
“Chúng tôi đã khẩn thiết kiến nghị, góp ý kiến nhưng họ hoàn toàn không tiếp thu. Trong tình hình này chúng tôi lên phương án sẽ gửi thẳng kiến nghị lên Thủ tướng nếu một lần nữa Bộ TNMT không chịu tiếp thu ý kiến của Đà Nẵng. UBND thành phố cũng đã đồng ý chủ trương rồi”- ông Thắng quả quyết.