Dân Việt

Giá lúa rẻ như... rau

07/07/2010 06:06 GMT+7
(Dân Việt) - Mấy ngày qua, nhiều nông dân ĐBSCL trồng lúa giống Ir 50404 trong vụ hè thu đã... “chết đứng" vì giá chỉ còn 1.700 đồng/kg. Đây là giá lúa thấp kỷ lục trong vòng hơn 10 năm qua.
 img
Thương lái thu mua lúa tại Cần Thơ.

Nông dân khóc ròng…

Ngày 6-7, tiếp xúc với phóng viên NTNN, nông dân Nguyễn Văn Sinh ở xã Phương Bình (Phụng Hiệp, Hậu Giang) thở dài: "Cả tuần rồi không ai vô mua, hơn 10 tấn lúa của tui phải chất tràn từ nhà ra tới lộ... Hôm qua, nghe nói ở xã Hiệp Hưng có người bán được mấy tấn lúa, tui mừng húm, chạy ra hỏi thăm. Thương lái cho biết: Giá 1.700 đồng/kg, nhưng chỉ mua lúa đã qua 1 nắng… Thiệt là không thể tưởng tượng nổi lúa mà rẻ như giá rau vậy!".

Cùng cảnh ngộ với ông Sinh, nhiều nông dân ở xã Phụng Hiệp (huyện Phụng Hiệp) cũng đang đứng ngồi không yên vì giá lúa đã rơi xuống mức 1.700 - 1.800 đồng/kg. Trong khi đó, hơn 500ha lúa hè thu của bà con ở đây được đánh giá là chất lượng tốt hơn hẳn và ít ngã đổ, lép hạt so với các vùng lân cận. Tất cả thương lái "mối ruột" của bà con trong xã gần như đều neo ghe, tuyên bố ngưng mua lúa vô… thời hạn. Một số thương lái nhỏ vẫn tiếp tục thu mua, nhưng chỉ "chăm chăm" vào lúa đông xuân còn sót lại, nhưng giá cũng chỉ 2.600 đồng/kg.

Ông Huỳnh Văn Mít vừa thu hoạch hơn 2ha lúa hè thu, ngậm ngùi: "Kêu lái lại, năn nỉ hết sức họ cũng vô rồi chỉ đồng ý mua với giá 1.600 đồng/kg. Mà họ cũng chỉ mua 2 tấn. Họ nói mua lúa này về chỉ để bán cho mấy chỗ xay xát gia công làm thức ăn cho… heo..." (!).

Theo khảo sát của NTNN, một số khu vực giá lúa hè thu "trụ vững" nhất hiện vẫn là các vùng lúa sản lượng lớn, như: Nông trường Sông Hậu (hơn 5.000ha), Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ) hơn 6.000ha; vùng chuyên lúa chất lượng cao huyện Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ) và Tân Hiệp (Kiên Giang)… Giá thu mua phổ biến ở khu vực này từ 2.000 - 2.200 đồng/kg. Lúa "đẹp" nhất cũng chỉ bán được giá 2.600 đồng/kg tại xã Tân Thành, huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) vào chiều ngày 5-7.

Ông Lê Văn Mới -Chủ tịch UBND xã Tân Thành, lo lắng: "Lúa hè thu năm nay thua trắng, bà con nông dân tiếp tục khó khăn… Đáng lo nhất là giá này vẫn chưa có gì sáng sủa vì hiếm có thương lái chịu vô mua".

Chuyện buồn về IR 50404!

Chưa thấy năm nào nông dân ĐBSCL lại điêu đứng vì lúa hè thu, đặc biệt là bà con trồng giống lúa IR 50404. Xin nhắc lại, từ năm 2005 đến nay, giống lúa này đã nhiều phen làm nông dân điêu đứng và tiêu tốn không biết bao nhiêu công sức nghiên cứu của các nhà khoa học và giấy mực của giới báo chí.

Tiến độ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo có thể chậm

Tại cuộc họp với Bộ Công Thương hôm qua 6-7, VFA cho biết, tiến độ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa hè thu có thể sẽ bị chậm. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp hiện nay đã mua đủ lượng gạo vụ đông xuân để phục vụ hợp đồng xuất khẩu đã ký nên sẽ hạn chế mua vào lúa gạo vụ hè thu. Ngoài ra, lúa hè thu thường có chất lượng kém cũng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi mua tạm trữ. VFA đang kiến nghị Chính phủ gia hạn nợ vốn vay cho doanh nghiệp đã thu mua lúa đông xuân tạm trữ để doanh nghiệp có thể triển khai tiếp việc thu mua lúa hè thu. Ngày 9-7 tới VFA sẽ có cuộc họp bàn với các tỉnh để có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thu mua lúa hè thu.

Theo thông tin của chúng tôi thu thập ở các huyện có diện tích lúa IR 50404 lớn nhất ĐBSCL, vụ hè thu năm nay không một nông dân nào bán được lúa này với giá 4.000 đồng/kg - tức mức “sàn” theo yêu cầu của Chính phủ để đảm bảo nông dân có lãi 30%. Tất cả bà con bán được lúa giá từ 3.000 đồng/kg là thu hoạch hè thu sớm, hay nói đúng hơn là vụ đông xuân muộn của bà con vùng hạ nguồn…

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL lý giải: Lúa IR 50504 chất lượng thấp, nhất là vào vụ hè thu thời tiết bất lợi, dịch bệnh nhiều, mưa gió ngã đổ làm phát sinh chi phí… Chúng tôi đã khuyến cáo nhiều năm rồi và triển khai giới thiệu các bộ giống mới ưu việt hơn để thay thế nhưng không hiểu sao các nơi vẫn cứ ùn ùn làm lúa hè thu, mà đặc biệt vẫn sử dụng giống lúa IR50404!".

Một cán bộ khuyến nông tỉnh An Giang cho hay: Bộ NN&PTNT cũng đã nắm được nhược điểm của giống IR50404, nên có chỉ đạo khống chế vào thời điểm gieo sạ. Nhưng cũng chỉ đưa ra chỉ tiêu chung chung: Cơ cấu giống ở các địa phương không cho IR 50404 vượt quá 30% diện tích mỗi vụ… Tâm lý bà con lại thích giống này, nên nhiều nơi cán bộ nói mòn lưỡi mà cũng rất khó khống chế được đúng diện tích đó!". Trong khi đó, nhiều nông dân nói với NTNN rằng: Không làm IR 50404, chẳng biết làm giống nào cho hiệu quả vì các giống thay thế dù kháng bệnh, giá bán cao hơn nhưng năng suất lại rất thấp" (!?).

Câu chuyện lúa IR 50404 vừa "ế" vừa "rớt giá" thê thảm lại tiếp diễn vào vụ hè thu năm nay, một lần nữa cho thấy sự loay hoay, lúng túng của cả ngành nông nghiệp và các cơ quan hữu quan trong vấn đề hỗ trợ, quy hoạch và định hướng cơ cấu giống để bảo vệ quyền lợi cho người trồng lúa!.