Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa phản biện ý kiến của Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM. |
Đại biểu Ngô Minh Hồng “phát pháo” đầu tiên: “Xin hỏi Công viên Chi Lăng là của người dân thành phố hay của tòa nhà Vincom khi mà bây giờ nó gần như đã biến thành mặt tiền cho tòa nhà này sử dụng? Ai cũng biết công viên này gần như là một di tích, có hẳn một cái bia ghi rõ ngày tháng năm và vị kiến trúc sư nào xây dựng nên. Thế mà khi tòa nhà Vincom được xây lên thì người ta đã đập mất tấm bia này. Chẳng lẽ chúng ta chỉ chạy theo việc phát triển kinh tế mà quên mất quá khứ hơn 300 năm của Sài Gòn?”.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Nguyễn Tấn Bền cho biết, thành phố có tất cả 1.002 dự án xây dựng cao ốc từ trước giải phóng đến nay và hiện còn 250 cao ốc đang triển khai xây dựng. Ông khẳng định rằng không có dự án nào là không nằm trong quy hoạch và sai kiến trúc.
Ngay lập tức, Đại biểu Nguyễn Thế Thanh phản biện: “Vậy việc cho phép xây dựng mới lại khách sạn Caraven mà không sai về mặt quy hoạch và kiến trúc khi nó che mất Nhà hát Thành phố, một biểu tượng văn hóa của thành phố? Các vị có biết là khi các vị cho xây tòa nhà cao tầng ở góc đường Hai Bà Trưng – Lê Duẩn, dân khảo cổ chúng tôi phải đi hỏi… xà bần đổ ở đâu để tìm di tích vì đây gần như là khu nền của thành Gia Định xưa”.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Tấn Bền cho rằng việc xây dựng các tòa cao ốc ở quận 1, quận 3 trung tâm thành phố như vậy là không nhiều vì khu vực này giá nhà đất rất cao. Phản biện ý kiến này, Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa nói: “Điều này chứng tỏ thành phố cho xây dựng các tòa cao ốc dựa trên giá cả thị trường chứ không hề có tầm nhìn hay chiến lược gì cả”.
Khi được Đại biểu chất vấn về việc phát triển quy hoạch của thành phố có hay không danh sách các địa điểm di tích, di sản văn hóa cần bảo tồn trước khi cấp phép xây dựng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Trần Trí Dũng khá lúng túng. Ông cho biết, thành phố hiện có 117 địa điểm là công trình kiến trúc lịch sử, kiến trúc cũ, các tuyến đường cần bảo tồn. Nhưng cho đến nay nó vẫn chưa được công nhận về mặt pháp lý.
Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo cho rằng: “Việc quy hoạch phải đảm bảo phát triển bền vững. Đó phải là quy hoạch vừa đáp ứng yêu cầu hiện tại vừa không ảnh hưởng đến nhu cầu tương lai. Phải phát triển hài hòa giữa yêu cầu hiện đại với việc giữ gìn, bảo tồn các di tích, di sản văn hóa. Nếu không TP.HCM sẽ trở thành một thành phố không có “trí nhớ”, mất gốc, không có bản sắc”.
Ngọc Minh