Dân Việt

Tiếp sức tạo việc làm

07/07/2010 11:17 GMT+7
(Dân Việt) - “Đồng vốn Ngân hàng CSXH không những giúp gia đình tôi vượt qua cơn bĩ cực, mà còn tạo điều kiện cho tôi mở xưởng mộc, tạo việc làm cho con em ND nghèo địa phương” - anh thương binh hạng 3/4 Phạm Trọng Trực ở xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, Bình Phước chia sẻ.
img
Anh Trực hướng dẫn các công nhân tại xưởng làm mộc.

Trồng cao su hết nghèo

Sinh ra và lớn lên ở xã Vĩnh Thành thuộc đặc khu Vĩnh Linh, năm 1966 Phạm Trọng Trực tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong ở đơn vị vận tải phục vụ bộ đội mặt trận Bình- Trị- Thiên. Sau 3 năm, anh gia nhập Quân giải phóng và tham gia chiến đấu ở các chiến trường từ Quảng Trị tới Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ…

Sau giải phóng, anh Trực chuyển ngành sang làm việc tại nông trường kinh tế mới của tỉnh Sông Bé (cũ). Không cầm lòng nhìn vợ và 5 con còn nhỏ sống trong cảnh nghèo và thiếu đói triền miên, năm 1982, anh làm đơn xin nghỉ việc rồi gia đình vào Bình Phước lập nghiệp.

img Chú Trực dạy cháu biết nghề còn nuôi cơm, trả lương, cháu có tiền dành dụm gửi về quê phụ giúp mẹ nuôi em bị bệnh. img

Em Hoàng Thanh Đoan

Ngày ngày, vợ chồng anh đi làm mướn, đồng thời khai vỡ được 5,4ha đất hoang trồng cây khoai, cây mì. "Trong khi trồng mì, trồng khoai và đi làm mướn, vợ chồng tôi tranh thủ xuống giống cây cao su.

Cao su giờ không chỉ giúp gia đình tôi vượt qua cơn bĩ cực mà còn làm giàu" - anh Trực kể. Nhờ mủ cao su có giá nên mỗi năm, sau khi trừ vốn đầu tư, anh vẫn lãi 200 triệu đồng.

Vốn ngân hàng làm giàu

Hướng dẫn chúng tôi đi thăm xưởng đồ gỗ, anh Trực tâm sự: "Thấy một số con em của đồng đội không có việc làm, tôi nghĩ mình phải có một phần trách nhiệm". Năm 2004, cùng với vốn tích lũy từ trồng cao su, anh Trực vay thêm 500 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng No&PTNT để mở rộng cơ sở sản xuất đồ gỗ gia dụng, đồng thời tuyển 12 thanh niên vào xưởng học nghề theo phương pháp "cầm tay chỉ việc".

Theo thời gian, cơ sở của anh mỗi ngày một phát triển cũng đồng nghĩa với nhu cầu về vốn đầu tư mua nguyên liệu sản xuất nhiều mặt hàng gỗ phục vụ nhu cầu của người sử dụng tăng. Cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động. Thấy cơ sở sản xuất của anh Trực ăn nên làm ra lại giữ chữ tín, bảo toàn được đồng vốn vay, năm 2009 phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chơn Thành cho anh vay tiếp 130 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. "Được Ngân hàng CSXH tiếp sức, tôi có cơ hội đầu tư mở thêm cơ sở khảm trai và chạm trổ mỹ nghệ các mặt hàng gỗ cao cấp"- anh Trực cho biết.

Hoàng Thanh Đoan (sinh năm 1986), công nhân xưởng mộc của anh Trực kể: Mẹ chỉ có 2.500m2 đất sản xuất nuôi em gái bị liệt hai chân vì di chứng chất độc da cam từ người cha (mất năm 2002) là bộ đội từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Đoan vào Bình Phước kiếm việc làm và được anh Trực nhận dạy nghề mộc rồi thành thợ của cơ sở. "Chú Trực dạy em biết nghề, còn nuôi cơm, trả lương... nên có tiền dành dụm gửi về quê phụ giúp mẹ nuôi em bị bệnh"- Đoan tâm sự.

Anh Trực cho biết, ngoài cháu Đoan bị phơi nhiễm chất độc da cam, hầu hết các lao động trong xưởng đều là con em ND nghèo và những đồng đội từng tham gia đánh giặc với anh trong những năm chống Mỹ. "Tôi mong nhà nước tăng thêm vốn vay lãi suất ưu đãi cho những cơ sở sản xuất thu hút lao động nông thôn như Ngân hàng CSXH đã thực hiện để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập hỗ trợ người lao động xóa nghèo nhanh".