Chuyện không viết bằng lời
Trung tướng Phạm Hồng Cư trao tặng lá cờ quyết thắng của Tiểu đoàn Bình Ca. |
Có lẽ ít ai biết rằng, phong trào tặng gậy quê hương cho chiến sĩ trước khi lên đường nhập ngũ lại bắt đầu hết sức tình cờ. Năm 1967, trên đường ra trận, chiến sĩ Phùng Văn Quán và 2 đồng hương ở xã Hoà Xá, huyện Ứng Hoà (Hà Nội) chặt vội 3 chiếc gậy làm vật dụng hỗ trợ trên đường hành quân. Khi vào chiến trường, họ đã gửi cả 3 chiếc gậy về quê hương Hòa Xã thay lời khẳng định họ vẫn mạnh khoẻ…
Những chiếc gậy ấy khi trở về quê đã trở thành gợi ý thú vị để các bô lão Hoà Xá phát động phong trào tặng gậy cho con em mình trước khi lên đường nhập ngũ. Hiện những chiếc gậy lịch sử này đang được trưng bày trong bộ sưu tập Kỷ vật kháng chiến tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Câu chuyện chiếc xe đạp của liệt sĩ Lang Sĩ Thuỷ nói lên tinh thần dũng cảm, không sợ hy sinh của người lính Cụ Hồ. Sau khi bị thương trong một trận chiến đấu, chiến sĩ trinh sát Lang Sĩ Thuỷ (Trung đoàn Thạch Hãn) phải về hậu phương điều trị. Sau một thời gian, dù vết thương chưa lành anh vẫn quyết định mượn chiếc xe đạp của chị gái để một mình đạp xe từ Thanh Hoá trở lại đơn vị đang chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị.
Khi vào đến chiến trường, Thủy lao vào chia lửa cùng đồng đội và anh đã anh dũng hy sinh tại Thành cổ. Trước đó, anh đã gửi chiếc xe đạp tại gia đình chị Cao Thị Hữu ở xóm Bầu, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Hiện chiếc xe đạp của liệt sĩ Lang Sĩ Thuỷ đã được trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Đặc biệt, cuốn ký hoạ chiến trường của hoạ sĩ Lê Đức Tuấn đã vượt nửa vòng trái đất trở về quê hương Việt Nam. Trong trận đánh tại Tây Nguyên năm 1968, ông Tuấn đã bị thất lạc cuốn nhật ký với 109 bức ký họa. Một lính Mỹ đã nhặt được và nộp cho chỉ huy của mình, tuy nhiên trước đó ông đã lén cất đi 3 bức tranh và gửi về cho vợ ở Mỹ. Vợ người lính đã mang 3 bức tranh đó đăng trên một tờ báo địa phương. Những bức ký hoạ này đã có tác động to lớn tới nhân dân yêu chuộng hoà bình ở Mỹ. Sau này người lính Mỹ thú thực, ông rất khâm phục người hoạ sĩ vẽ những bức tranh đó...
Giáo dục thế hệ trẻ
Thông qua những kỷ vật, các bạn trẻ hôm nay hiểu sâu sắc thêm giá trị độc lập, tự do của Tổ quốc. Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên - Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, cho biết: Việc sưu tầm các kỷ vật không chỉ tái hiện một phần lịch sử hào hùng của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, mà còn tiếp nhận một số lượng các hiện vật kháng chiến quý hiếm phục vụ công tác tuyên truyền.
Ý nghĩa nhân văn của cuộc vận động này còn thể hiện ở chỗ, chúng ta đã biết tri ân lịch sử, tri ân ông cha mình thông qua việc khơi dậy, huy động cộng đồng cùng tham gia sưu tầm, giới thiệu và hiến tặng những "kỷ vật biết nói" cho thế hệ hôm nay và mai sau biết trân trọng những việc làm của lớp người đi trước.
Khánh Gia