Tưởng rằng chuyện mọi thứ chỉ dựa vào lý lịch đã qua từ lâu, thế nhưng tàn dư của nó vẫn còn. Chuyện của một ông chủ tịch quận ở Hà Nội chỉ là một trong rất nhiều trường hợp.
Có một thời người ta tạo ra môi trường nơi mọi thứ đều phải lệ thuộc vào Nhà nước, từ tã trẻ sơ sinh cho đến quan tài của người chết. Nhà nước kiểm soát mọi thứ, quyết định mọi thứ liên quan đến mỗi cá nhân. Để kiểm soát, quyết định, họ cần thông tin và lý lịch là một nguồn thông tin quan trọng.
Rồi đổi mới đến, quyền tự do kinh tế của người dân được trả lại. Dân không còn phải hoàn toàn lệ thuộc vào Nhà nước nữa. Thời này, lý lịch, tuổi tác cũng được quản lý thoáng đãng hơn.
Các công ty và tổ chức tư nhân vẫn đòi hỏi “sơ yếu lý lịch” từ mỗi người xin việc, nhưng chủ yếu để có thông tin về đào tạo, kỹ năng, kinh nghiệm của ứng viên và quan trọng nhất thông tin đó chỉ có tính tham khảo chứ không quá quan trọng khi quyết định. Người lao động không có khuyến khích để khai man và thậm chí còn bị thiệt nặng, hay “bị trừng phạt” nếu khai man.
Ngược lại một số chính sách cán bộ của Nhà nước và tổ chức chính trị đôi khi lại có những quy định thành văn hay bất thành văn liên quan đến tuổi: Tuổi về hưu, tuổi được đề bạt, tuổi để được “quy hoạch” vân vân. Nếu lấy năng lực, hiệu quả, tính sáng tạo, sự mẫn cán làm tiêu chuẩn và coi tuổi chỉ là một yếu tố để tham khảo, thì sự khai man cho trẻ đi học của các vị chức sắc hẳn sẽ ít đi và ít gây bức xúc không đáng có cho dư luận, như vụ khai lại ngày sinh của ông chủ tịch một quận của Hà Nội. Điều đáng nói ở đây là cấp chủ quản của ông, theo giải trình của ông với báo giới, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, đã ký quyết định điều chỉnh ngày sinh của ông từ 7.2.1954 thành 7.2.1955. Mà đâu chỉ có ông chủ tịch quận, dư luận đã bàn tán xôn xao về nhiều sự man trá tuổi như thế của các vị to hơn. Nếu đúng thế, thì sự man trá đã được hợp thức hóa, một điều không thể tưởng tượng nổi trong một chính thể muốn “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng và văn minh”.
Tôi nghĩ nếu sự gian trá không được làm rõ, những kẻ man trá không bị xử lý nghiêm dẫu chúng có chức vị thế nào thì buộc phải kết luận rằng người ta khuyến khích sự man trá và như thế chính họ là các tác nhân chính gây ra sự giảm sút niềm tin chứ không phải các nguyên nhân khác mà họ thường đổ vấy cho.
Càng có vị trí cao thì tiêu chuẩn về tài năng, sự trung thực, cương trực, liêm chính càng phải được đề cao và mọi sự man trá như vậy cần phải bị xử lý và dễ xác minh nhất là man trá tuổi. Đừng lấy tuổi làm tiêu chuẩn chính để gạt nhau.