Dân Việt

Nỗi lo “nghị luận xã hội”

08/07/2010 06:36 GMT+7
(Dân Việt) - Đợt thi thứ hai, kỳ thi ĐH-CĐ 2010 là “sân chơi” của các thí sinh thi khối B,C,D… Trong đó, đề thi môn Văn khối C,D thu hút được nhiều sự chú ý vì đề thi có một câu nghị luận xã hội mang đầy tính “may, rủi”.
 img
Nhiều học sinh tỏ ra thích thú với đề văn nghị luận xã hội.

Câu hỏi tích cực…

Đây là năm thứ hai, đề thi ĐH-CĐ có câu nghị luận xã hội. Thực tế tiếp xúc với nhiều học sinh, các em đều tỏ ra thích thú với nghị luận xã hội. Em Trần Thị Dung (quê Phú Thọ), chuẩn bị thi vào ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, chia sẻ: “Em thích cấu trúc đề văn này bởi học nghị luận xã hội tuy không dễ nhưng lại ít bị áp lực bởi vấn đề học thuộc dẫn chứng hay học thuộc dàn bài như các câu hỏi khác trong đề”.

Đề thi có câu hỏi dạng này cũng nhận được sự đồng tình của các chuyên gia giáo dục và giáo viên. Th.s Bùi Minh Tâm - chuyên viên Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Nam Định cho biết: “Tôi nghĩ câu hỏi thi dạng này nên đưa vào đề thi ĐH- CĐ từ lâu rồi vì số học sinh rất cần những kiến thức về đời sống kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa”.

Cùng ý kiến với Th.s Tâm, cô Trần Thị Minh Thanh (giáo viên Văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) chia sẻ: “Đưa nghị luận xã hội vào giảng dạy và thi cử là hợp lý, nó kích thích học sinh quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề của đời sống xã hội”.

Nhiều giáo viên khác thì cho rằng, câu hỏi dạng này được đánh giá là tích cực trong việc đổi mới tư duy dạy và học trong ngành giáo dục.

Câu hỏi may rủi…

Lần đầu tiên nghị luận xã hội được đưa vào đề thi là trong kì thi học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn năm học 2006 - 2007. Ngay sau bước thử nghiệm đầy táo bạo đó, nghị luận xã hội đã nhanh chóng được đưa vào đề thi ĐH-CĐ dành cho mọi đối tượng.

Dẫu vậy, việc đưa câu hỏi nghị luận xã hội vào đề thi cũng gây nhiều tranh cãi. Thực tế, tại kỳ thi ĐH-CĐ năm 2009, nhiều thí sinh, nhất là thí sinh nông thôn, vẫn có thói quen làm câu hỏi nghị luận xã hội theo kiểu “tầm chương trích cú” mà không tạo ra được một bước đột phá nào mới.

Em Bùi Thị Hằng, một thí sinh ở Duy Tiên (Hà Nam) cho biết: “Đề thi ĐH-CĐ khối C năm 2009, câu hỏi nghị luận xã hội là về trung thực trong thi cử. Em biết nhiều bạn cứ viết lung tung. Có bạn còn bảo, bài thi không làm tốt, viết phần nghị luận dài để “vớt” điểm”.

Th.s Tâm cũng bày tỏ, để có thể đưa nghị luận xã hội vào giảng dạy và thi cử có hiệu quả thì giáo viên cần được chuẩn bị tích cực về phông kiến thức và kỹ năng trước học sinh khoảng 5 - 7 năm. Như hiện tại, việc áp dụng chương trình mới hơi vội vã cũng khiến nhiều giáo viên bỡ ngỡ và thiếu tự tin, chưa nói gì đến học sinh.

Thực tế cho thấy, khi đi thanh tra chấm thi tốt nghiệp THPT, vì không có barem cứng của phần này nên giáo viên vẫn chấm bài nghị luận xã hội theo cảm tính hoặc chưa đánh giá hết được sự sáng tạo của học sinh.

Với nhiều giáo viên, điều quan trọng khi dạy nghị luận xã hội là làm thế nào để kích thích học sinh học hỏi, tạo một phông kiến thức đủ rộng để tự tin khi đứng trước bất cứ một đề thi nào, chứ không phải là chữa cho các em những dàn ý chi tiết của những đề bài cụ thể. Và như vậy, sẽ không còn chuyện “may rủi” khi thi câu hỏi dạng này tại “sân chơi” lớn như thi ĐH-CĐ.