Dân Việt

1.800 container mắc kẹt tại cửa khẩu Móng Cái

08/07/2010 06:15 GMT+7
(Dân Việt) - Khoảng 1.800 container hàng tạm nhập tái xuất qua Trung Quốc bị ách lại tại cửa khẩu Móng Cái suốt từ trung tuần tháng Năm đến nay, trong đó, non nửa là hàng đông lạnh và không ít hàng nông sản.
 img
Xe container nằm chờ xuất hàng ở Móng Cái.

Liên tiếp" ăn đòn"

Mỗi ngày, cứ một container hàng đông lạnh, chủ hàng phải "nướng" đứt 2 triệu đồng trả cho phí lưu kho và tiền điện bảo quản. Ông Đinh Việt Dũng - Phó Chi cục Hải quan Móng Cái cho biết: Từ 30-6 - 4-7, phía Trung Quốc cho thông quan nên giải tỏa được 132 "công" nhưng lượng hàng dồn từ trong ra thêm gần 100 xe và sau 5 ngày khai thông, cửa khẩu mậu dịch lại đột ngột khép hẳn, coi như tình trạng ứ đọng vẫn y nguyên."

Hàng tồn đọng ở đây chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất, bao gồm: Hàng thực phẩm đông lạnh; rượu, thuốc lá; nhựa phế liệu, xăm lốp; đồ điện tử cũ... Gánh chịu mọi thiệt thòi này không phải là ai khác ngoài các doanh nhân. Họ lâm vào tình trạng "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông". Bởi đưa được chuyến hàng từ cảng Hải Phòng hoặc các kho ngoại quan từ phía trong ra tới các cửa khẩu Quảng Ninh là cả một hành trình không hề dễ dàng. Một số cửa khẩu nhỏ như Hoành Mô, Bắc Phong Sinh cũng ở trong tình trạng tương tự.

1.800 container hàng tạm nhập tái xuất bị ách tắc kéo dài hiện nay cũng là hệ quả tất yếu của một quá trình làm ăn mà không hiểu được người cũng như không chịu học những bài học từ chính kẻ liên tiếp "vặt lông" ta.

Ông Hoàng Tú Hoàn - Trưởng Chi cục Hải quan Bình Liêu cho hay: "Tổng số hàng ách tắc tại cửa khẩu Hoành Mô trong 2 tháng vừa qua khoảng 200 container. Nhưng sân bãi ở đây chỉ có sức chứa tối đa 30 xe. Vì vậy, để bảo quản được hàng, các doanh nghiệp đành đổ về cửa khẩu Móng Cái. Một số quay trở lại hệ thống kho ngoại quan Hải Phòng."

Trong khi đó, hàng nhập khẩu vào Việt Nam các cửa khẩu Quảng Ninh vẫn hoàn toàn bình thường, không hề gặp bất kỳ rào cản nào ngoài Luật Thuế hải quan. Không dễ gì giải thích được, rằng tại sao đối tác phía bên kia luôn "sớm nắng chiều mưa", ngoắt ngoéo với vô số lý do không sao lường được. Chỉ biết rằng, rất nhiều nhà buôn Việt Nam liên tiếp bị "ăn đòn", khóc không ra nước mắt như vụ cao su bị ép giá tại Móng Cái nhiều năm trước đây và gần nhất là vụ dưa hấu phải đổ tháo tại cửa khẩu Lạng Sơn hồi đầu năm nay.

Không hiểu hết đối tác

Trên thương trường, chuyện “ăn đòn”, thậm chí trắng tay là sự thường tình. Nhưng chẳng lẽ các nạn nhân cứ chịu phận của con cừu mãi?

Buôn bán với một láng giềng từng làm nên "Con đường tơ lụa" cách nay hàng nghìn năm đừng xem là việc giản đơn. Doanh nhân Trung Quốc tung tiền mua than tiểu ngạch của Quảng Ninh nhưng đào hố chôn xuống dự trữ cho lâu dài; doanh nhân Trung Quốc mua sá sùng mẹ ở Vân Đồn để rồi cho sinh sản công nghiệp và chỉ trong một thời gian ngắn, sản phẩm này quay trở lại chiếm lĩnh thị trường nơi mà nó ra đi với giá rẻ bất ngờ; doanh nhân Trung Quốc hô "thượng vàng hạ cám" thứ gì Việt Nam đưa sang cũng sẵn sàng mua hết. Nhưng chỉ sau một vài cú "thả mồi", các thương nhân Việt Nam thi nhau vác hàng "xông ra" bao nhiêu, thua lỗ bấy nhiêu...

Có vô số những bài học về cách tính toán "căn cơ", thâm hậu của ông bạn thương gia láng giềng bên kia hàng rào thuế quan chẳng dễ gì biết trước. Nhưng có một điều tất cả đều nhìn thấy, đó là hệ thống quản lý biên mậu của đối tác được thiết lập và điều hành cực kỳ chặt chẽ.

Một mệnh lệnh ban ra về giá cả lập tức muôn người như một. Hôm nay nhập gì, xuất gì, nhất nhất các thương gia đều một tiếng nói như nhau. Các chính sách của họ cũng như vậy, đã không khuyến khích, thì trước sau như một, ai bước qua, lập tức sẽ chịu sự trừng phạt nghiệt ngã của luật pháp.

Còn các doanh nhân Việt Nam? Hiệp hội, nghiệp đoàn có cũng như không; hệ thống quản lý biên mậu là một bộ máy "ngồi chơi xơi nước", chiến lược tổ chức kinh doanh không; chính sách điều phối chung cũng không. Các doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, sẵn sàng phá giá, bỏ bạn miễn là mình có lợi.

Hậu quả của tình trạng bị động thường xuyên, thường xuyên thất bại, cũng chính là vì thị trường phía Việt Nam không được tổ chức một cách hiệu lực; không có thông tin hữu ích, không hiểu hết đối tác nên luôn luôn rơi vào thế bị người ta điều khiển.