Dân Việt

“Người tình của Đà Lạt” ra sách ký sự

Đào Đức Tuấn 24/07/2013 14:17 GMT+7
Những ký sự của Nguyễn Hàng Tình “hot” mấy năm nay nhưng nhiều người bất ngờ khi gã lãng tử này ra sách.
Chất văn bay bổng đến hoang vu nhưng trên hết là sát sàn sạt cuộc đời này, với những hiện thực ngỡ ngàng của thân phận đương cuộc, trực diện những vấn đề khuất lấp của thế sự…

img
Tập ký sự “Giã biệt hoang vu” (NXB Hội Nhà văn và Phương Nam book, 7.2013) là kết tinh 20 năm làm báo của ký giả tự do Nguyễn Hàng Tình. Hơn một năm rồi, gã bỏ chân phóng viên “nằm vùng” của Báo Tuổi Trẻ, ai nói gì cũng mặc. Nhiều người không hiểu gã đang cần một “không gian bút ký” cho riêng mình. Hơn 40 tuổi rồi, gã vẫn một mình… phơi phới với đất Tây Nguyên và những nhát cắt nhập cuộc, khát khao bay bổng.

Lặng lẽ đường rừng, gã đào gã bới, đam mê ghi chép những thương yêu - phi lý cuộc đời, trở thành cây bút day dứt trong lòng bạn đọc như một “người tình Đà Lạt”, “kẻ bảo vệ cao nguyên”… Gã không còn khái niệm “ngại va chạm” khi viết về người nông dân Tây Nguyên, như trong các ký sự: “Mùa nông dân thiên di”, “Một kiếp theo ong”, “Trên thảo nguyên MDrăk”, “Ngư phủ trên núi”, “Khi Đà Lạt đốt hoa”…

20 năm làm báo, Nguyễn Hàng Tình đã có hàng ngàn tin bài chất lượng cao định hình một cây bút. Một đồng nghiệp đã viết về Nguyễn Hàng Tình “không ai có một tình yêu với thông khủng khiếp và cháy bỏng như gã. Một cành thông rơi gãy cũng có thể khiến gã mất ăn mất ngủ. Một cây thông bị đốn hạ cũng làm đau đớn gã như chính phần thân thể của mình bị cắt bỏ”. Đên rồi biết bao yêu thương, day dứt khi gã viết “Tiếng ghita bên rừng thông”, “Những ngày sương nhạt”, “Đưa Đà Lạt đi xa”, “Di sản nỗi buồn”, “Hành trình cà phê Việt”, “Đăk Nông còn nhớ không?”, “Bờ biển mênh mang”…

Tình không thích nói về chuyên môn công việc, thế nhưng khi nhắc đến bút ký, gã bỗng thao thiết: “Tôi làm ký sự vì thấy nó sống nhất, được tham dự trực tiếp vào nhịp đời. Đó cũng là mảnh đất tôi thấy mình sáng tạo nhất, thăng hoa và hoang vu nhất. Những người làm báo như tôi phải đi ghi chép những chuyện hằng ngày, lịch sử trong ngày. Riêng bút ký thì đi xuyên qua những cái đó, nó có hơi thở không gian của đời sống-báo chí, của thời cuộc, của sáng tạo. Bút ký mang trách nhiệm ghi lại thời cuộc đang diễn ra, phải viết ngay chứ không thì sẽ trôi qua, không thể lúc nào viết cũng được…”.