Dân Việt

Cha mẹ bất cẩn, con đuối nước

09/07/2010 06:32 GMT+7
(Dân Việt) - Các vụ đuối nước xảy ra ở bất cứ chỗ nào, từ sông, hồ tới bể bơi, vũng nước, hố ga… Sự bất cẩn của trẻ và sự chủ quan của người lớn là nguyên nhân chính của những vụ tai nạn đau lòng này.
 img
Trẻ tự do chơi gần sông mà không có sự quản lý của người lớn.

Không biết bơi vẫn… xuống nước

Hôm qua 8-7, theo xác nhận của cơ quan chức năng phường Tân Phú và thị xã Đồng Xoài (Bình Phước), lực lượng cứu hộ đã tìm được xác của hai em bị đuối nước tại khu vực hồ Suối Cam 2, thuộc địa bàn phường Tân Phú.

Hai em trên là Đoàn Minh Tuấn (SN 1993) và Trần Minh Đức (SN 1995), đều ngụ ở thôn Thống Nhất, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng (Bình Phước), tới thị xã Đồng Xoài để ôn thi. Vào khoảng 18 giờ ngày 7-7, sau khi tan học chiều hai em rủ nhau ra đập hồ Suối Cam 2 tắm. Do hồ sâu, hai em lại không biết bơi nên bị đuối nước.

Ngày 4-7, hai em Võ Văn Trung Hiếu (12 tuổi) và Trần Văn Vy (9 tuổi), cùng trú tại tổ 18, KV6 thuộc khu định cư phường Kim Long, TP.Huế bị đuối nước tại sông Kẻ Vạn đoạn gần nhà. Thời điểm đó, Hiếu, Vy và một nhóm trẻ nhỏ đang chơi thả diều, sau đó Vy xuống sông tắm. Do không biết bơi nên khi bị sảy chân, Vy khua tay chân cầu cứu. Hiếu xuống cứu Vy nhưng không được khiến cả hai cùng chìm xuống sông.

Kể cả bơi ở hồ bơi cũng không an toàn hơn. Tại một điểm vui chơi ở Ba Vì (Hà Nội) đã từng xảy ra vụ đuối nước dù cha mẹ vẫn theo sát. Cậu bé chạy nhảy nhiều, mệt nên đi đằng sau, cha mẹ đi đằng trước. Đi qua hồ bơi, cậu bé trượt chân rơi xuống hồ. Khi cha mẹ phát hiện ra, cậu bé đã bị ngạt nước.

Nhiều người dân trong khu vực cho biết, ngoài hồ bơi này, trẻ em còn bơi ở hồ Suối Hai gần kề, trường hợp trẻ chết đuối năm nào cũng có .

Mỗi ngày 10 trẻ chết đuối

Trước thực trạng đuối nước trẻ em ngày càng gia tăng, ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE), Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, đó là hệ quả của việc không biết hoặc “lờ” đi các biện pháp phòng chống đuối nước.

Hiện, Cục BVCSTE đã đề xuất tăng cường, giáo dục và truyền thông, phát triển các kỹ năng bơi và cứu đuối cho trẻ em, nghiên cứu để đưa môn bơi vào dạy trong trường học, triển khai các hoạt động xây dựng ngôi nhà an toàn và phối hợp với Bộ GD-ĐT thí điểm đưa môn bơi vào giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên, tới thời điểm này chỉ có một số ít địa phương thực hiện.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng đuối nước tăng là do trẻ em thiếu chỗ chơi. Tuy nhiên, anh Hoàng Văn Tin - Bí thư Đoàn xã Quỳnh Thanh cho biết, ở nông thôn, xung quanh toàn sông nước. Dù có điểm vui chơi cũng không ngăn được trẻ bơi lội. Năm nào xã cũng có trẻ em đuối nước mà chưa có cách gì khắc phục.

Theo số liệu của Cục BVCSTE, con số trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ đuối nước và tai nạn giao thông vẫn là sự nhức nhối khó giải quyết. “Tổng hợp báo cáo của các Sở LĐ-TB&XH năm 2009, cả nước có hơn 45.000 trẻ em bị tai nạn, trong đó đuối nước vẫn là nguyên nhân chính gây chết trẻ em, chỉ đứng sau tai nạn giao thông” - ông An nói.

Với các bậc cha mẹ, quan trọng nhất là phải quản con cái, đừng để sự chủ quan cướp đi mạng sống của trẻ.

Một số vụ trẻ em đuối nước gần đây

* Ngày 4-7-2010, hai em Võ Văn Trung Hiếu (12 tuổi) và Trần Văn Vy (9 tuổi), cùng trú tại tổ 18, phường Kim Long, TP.Huế bị chết đuối tại sông Kẻ Vạn.

* Ngày 2-7, tại khóm Mỹ Long, phường 3, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, 2 cháu đều là con ruột của anh Lê Văn Hội, ngụ phường 3, TP.Cao Lãnh bị chết đuối dưới hầm bơm cát thuộc công trình Trường Mầm non Sao Mai.

* Sáng 1-7, tại xã Tà Nung (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), 4 em nhỏ leo lên chiếc bè của người dân chơi đùa. Bất ngờ chiếc bè lật úp khiến 3 em chết đuối.

* Ngày 1-5-2010, tại bãi biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh, 2 cháu trai Ngô Gia Huy (10 tuổi) và Nguyễn Văn Bảo (7 tuổi) đi nghỉ mát cùng gia đình đã bị nước biển cuốn trôi và chết đuối.