Dân Việt

Người khen, kẻ chê cơm miễn phí

09/07/2010 03:44 GMT+7
(Dân Việt) - Trong ba ngày thi ĐH-CĐ 2010 đợt hai từ 8 đến 10-7, nhiều nhà hảo tâm tiếp tục cung cấp các suất ăn miễn phí cho sĩ tử. Nhiều nơi cơm được tiếp nhận nồng nhiệt, tuy nhiên không ít nơi cơm miễn phí lại “ế ẩm”.
img
Thí sinh và người nhà tiếp nhận bữa ăn miễn phí tại chùa Bằng A (Hà Nội)

Cơm ngon và chu đáo

Anh Mai Thanh Tuấn (Công ty cổ phần Quốc tế Hải Lộc) cho biết: "Trong đợt 1 kỳ thi vừa rồi, công ty đã phục vụ 900 suất ăn miễn phí cho phụ huynh và thí sinh về Hà Nội thi. Thực tế thì suất ăn bị bỏ lại rất ít". Vì vậy, trong đợt thi hai này, công ty sẽ tăng số lượng cơm miễn phí lên 1.500 suất và hỗ trợ thêm 3.000 chai nước uống. Anh Tuấn cho biết, để tránh tình trạng cơm ế phải đổ đi chúng tôi đặc biệt chú ý đến tính thời điểm. Từ ngày 8-7, công ty bắt đầu nấu cơm miễn phí cho thí sinh và người nhà. Đây là giai đoạn nhiều người có nhu cầu ăn cơm từ thiện nhất.

Gần 550.000 thí sinh dự thi đợt 2

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hết ngày 8-7, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi đợt 2 là gần 550.000 trong tổng số 750.000 thí sinh đăng ký, đạt tỷ lệ 73%. Trong đó có nhiều trường đạt tỷ lệ 78 - 80%.

Một điểm cung cấp bữa ăn miễn phí cho sĩ tử nữa là chùa Bằng A (Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội). Trong đợt thi thứ hai này, các sinh viên tình nguyện đã đón 60 thí sinh từ nhiều vùng, miền về Hà Nội dự thi tới ăn, ở miễn phí tại chùa.

15 phật tử đã tình nguyện tham gia phục vụ nấu ăn trong suốt ba đợt của kỳ thi ĐH-CĐ 2010. Chiều 7-7, các thí sinh tới sớm đã ăn bữa cơm miễn phí đầu tiên.

Thí sinh Lý Oanh Huyền, dân tộc Thái, đến từ huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn nói: "Lúc đầu, hai mẹ con rất lo lắng nhưng khi được các tình nguyện viên đưa về chùa, em thấy đỡ lo. Môi trường ở đây mát mẻ, các món ăn rất ngon".

Thượng toạ Thích Bảo Nghiêm - Trụ trì chùa cho biết, hàng ngày thí sinh được ăn hai bữa chính (sáng, chiều). Ngoài ra còn được ăn bữa phụ là cháo và bánh bao hoặc điểm tâm. Tuy toàn là các món ăn chay nhưng nhà chùa tính toán kỹ lưỡng để khẩu phần vừa đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, an toàn và ngon miệng.

Nhiều suất cơm... ế

Đợt 1, kỳ thi ĐH-CĐ 2010, ông Nguyễn Văn Giang (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đưa con trai đi thi tại ĐH Công đoàn (Hà Nội) và có nhận suất cơm miễn phí tại điểm thi. “Tôi ăn suất cơm miễn phí đóng hộp từ sáng nên thấy hấp hơi, ăn không vào nên bỏ" - ông nói. Với cách nghĩ cái gì không mất tiền thì chất lượng sẽ không cao, nhiều phụ huynh và sĩ tử tại điểm thi đó chấp nhận bỏ ra một số tiền không nhỏ để đi ăn quán.

Chị Đặng Thị Khuyên, một người cho sinh viên ở trọ miễn phí ở Triều Khúc (Hà Nội) cho biết: “Nhiều người có tâm lý ngại làm phiền người khác, dù gia chủ cho ăn ở miễn phí, họ cũng từ chối".

Một lý do khác, khiến các suất ăn miễn phí nhiều nơi bị “ế” là vì cơm không đảm bảo chất lượng. Tại Đà Nẵng, thi đợt 1 vừa qua, Hội Doanh nghiệp trẻ thành phố ủng hộ 10.000 suất ăn miễn phí cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các suất ăn được chuyển về Thành Đoàn Đà Nẵng để trao tận tay cho thí sinh.

Thí sinh Hoàng Minh (quê Quảng Ngãi, thi vào ĐH Kinh tế Đà Nẵng) kể: Bọn em nhận suất ăn nhưng do thời tiết nắng nóng, cơm hộp nấu số lượng lớn, chuyển nhiều chặng, đến tay thí sinh thì không ít suất đã ôi thiu.

Còn chị Trần Thị Nga (quê Quảng Trị, đưa con đi thi) thì băn khoăn: “Chẳng lẽ, đã được giúp đỡ mà mình còn yêu cầu này nọ, nhưng thật sự nuốt không trôi. Chúng tôi là nông dân nghèo khổ chứ có sung túc gì mà đòi hỏi, chúng tôi nhận nhưng... để đó, ra ngoài mua cơm ăn”.

Một số điểm cấp cơm miễn phí cho thí sinh ở Huế cũng có xu hướng chạy theo số lượng. Không ít thí sinh sau khi ăn cơm miễn phí đã phàn nàn: Món ăn ít ỏi, chế biến hời hợt, bảo quản không tốt.

6.000 suất cơm miễn phí được mua bảo hiểm

Theo thông tin từ Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP. Hồ Chí Minh, đến thời điểm này trung tâm đã hỗ trợ hơn 6.000 suất cơm miễn phí cho thí sinh nghèo, trong đó riêng đợt 2 sẽ là 2.000 suất. Ông Lê Xuân Dũng - Trưởng phòng tổ chức cho biết: "Tất cả các suất cơm do Ngân hàng Đại Tiến hỗ trợ qua trung tâm đều đã được mua bảo hiểm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu xảy ra trường hợp ngộ độc sẽ phải đền bù 40 - 50 triệu đồng/ca vì vậy thí sinh không phải lo ngại về chất lượng cơm miễn phí. Tất cả các suất cơm đều được các sinh viên tình nguyện giao đúng đối tượng nên không lãng phí, thừa thãi".