Nuôi bò sau quán cà phê… hết lãi
Một cuộc khảo sát của Công ty FrieslandCampina VN cho thấy, giữa các vùng nuôi bò sữa khu vực phía Nam hiện nay đã có sự chênh lệch rất lớn về giá thành. Với các hộ nuôi bò sữa tại khu vực có tốc độ đô thị hóa chóng mặt như Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức… (TP.HCM), người nuôi bò gần như phải bỏ 100% tiền túi để thuê đất dựng trại và chi cho những điều kiện tối thiếu về thức ăn thô xanh như cỏ, rơm.
Đây vốn là những thứ mà lẽ ra người nông dân không phải tính đến trong chi phí sản xuất thì nay, hàng ngày, người nuôi bò vẫn phải bỏ ra trung bình từ 500 – 1.000 đồng/kg cho phần thức ăn thô này. Chưa kể đến việc, do nguồn thức ăn thô xanh không đủ, họ còn phải mua thêm xác mì, hèm bia từ các nhà máy.
Thế nên, giá thành 1kg sữa làm ra lên tới hơn 8.000 – 8.500 đồng/kg, trong khi bán sữa chỉ khoảng 8.000 đồng/kg khiến nhiều người nông dân ở TP. HCM than lỗ là điều dễ hiểu. Trong khi đó, với những hộ nuôi bò sữa ở Lâm Đồng, Long An… nơi diện tích đất trồng cỏ có sẵn, cỏ được trồng tự nhiên, người nuôi bò hoàn toàn có thể tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên này mà không phải mất chi phí cho khẩu phần thức ăn thô xanh của bò. Chính vì vậy, người nuôi bò tại đây chỉ mất khoảng 6.000 – 6.500 đồng để làm ra 1kg sữa.
Cuộc khảo sát này cho thấy giá thành sản xuất sữa giữa các vùng nuôi đã có sự chênh lệch quá lớn. Tại Lâm Đồng, Bến Cát (Bình Dương) giá sản xuất khoảng 6.000 đồng/kg, tại Long An, Tây Ninh và vùng nông thôn Củ Chi (TP.HCM) là 6.904 đồng/kg, còn với khu vực Hóc Môn, Bình Chánh (TP. HCM) giá thành lên tới gần 8.600 đồng/kg. “Thật khó có thể nói đến chuyện có lãi đối với những con bò được nuôi sau những quán cà phê wifi” - một chuyên gia của FrieslandCampina VN dí dỏm.
Giúp nông dân cải thiện kỹ thuật chăn nuôi
Một trong những bài học hữu ích nhất mà người nuôi bò học được khi ký kết hợp đồng với FrieslandCampina VN là sẽ nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ chương trình phát triển ngành sữa (DDP) của công ty. Thông qua các chương trình huấn luyện kỹ thuật, triển khai các kỹ thuật mới trong quy trình nuôi và chăm sóc bò với sự giúp đỡ trực tiếp của hơn 70 nhân viên khuyến nông, FrieslandCampina VN sẽ giúp nông dân cải thiện kỹ thuật chăn nuôi, tạo nguồn sữa ổn định và chất lượng.
Người nông dân sẽ được học tập từ những kỹ thuật đơn giản nhất như: Cách thiết kế trại nuôi sao cho thông thoáng lại tiết kiệm được được chi phí; cách chọn và chế biến thức ăn (cắt cỏ, ủ chua…) sao cho đảm bảo được dinh dưỡng và tránh nguy cơ mắc bệnh về đường ruột, chất lượng nguồn sữa cũng được đảm bảo an toàn.
Đồng thời họ sẽ được học cách vệ sinh cho đàn bò, tránh được những loại bệnh căn bản như viêm vú, bệnh thú y. Những khuyến cáo cơ bản như với những con bò nhiễm bệnh phải tiêm thuốc, người nuôi chỉ nên vắt sữa sau 5 ngày tiêm nhằm tránh nguy cơ lượng vi sinh trong sữa cao và đảm bảo chất lượng tốt cũng luôn được các nhân viên khuyến nông của FrieslandCampina VN nhắc nhở trong các buổi tập huấn để nông dân từng bước làm theo.
Không chỉ dừng lại ở đó, FrieslandCampina VN còn triển khai chương trình “Người nông dân giúp nhau” (Farmers help Farmers), theo đó, những người nông dân đến từ Hà Lan, với cả kho tàng kiến thức và kinh nghiệm tích lũy từ một nền công nghiệp sữa và chăn nuôi bò sữa hàng đầu trên thế giới, sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm hiệu quả trong việc chăn nuôi bò lấy sữa với người nông dân Việt Nam, ngay trên chính trang trại của họ, tại Việt Nam.
Hiệu quả rõ rệt
Các chương trình tập huấn này đều được FrieslandCampina VN tiến hành định kỳ hàng tháng, quý hay trước khi công ty áp dụng một chỉ tiêu mới vào công tác thu mua. Một ví dụ gần đây là việc áp dụng chỉ tiêu về tổng tạp trùng, một chỉ tiêu có tính bước ngoặt trong việc nâng cao chất lượng sữa.
Sáu tháng trước khi áp dụng chỉ tiêu mới này, FrieslandCampina VN đã thông báo cho tất cả các hộ chăn nuôi đang cung cấp sữa nguyên liệu cho công ty và tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn để giúp họ hiểu đúng và làm theo.
Ông Trần Văn Liền, hộ nuôi bò tại Đức Hòa (Long An) khẳng định, mỗi khi FrieslandCampina VN triển khai một chỉ tiêu mới trong thu mua, ông đều được đội ngũ khuyến nông hỗ trợ về kỹ thuật đầy đủ thông qua các khóa ngắn và dài hạn. Nhờ vậy hơn chục năm qua, chất và lượng sữa mà gia đình ông thu được thay đổi rõ rệt. Nếu như trước đây một con bò chỉ cho từ 7 – 8kg sữa/ngày, đến nay đã tăng lên tới 18 – 20kg sữa/ngày. Tháng đầu tiên áp dụng chỉ tiêu mới ông còn bị trừ tiền giao sữa thì nay mỗi lít ông đều được thưởng trung bình 250 đồng/kg. Với giá giao sữa trung bình từ 7.500 – 8.000 đồng/kg, ông Liền cho biết ông có lãi gần 2.000 đồng/kg.
Phương Đăng