Kho lúa cứu đói của làng Gia Ry chỉ to hơn cái bồ đựng lúa của người dưới xuôi một tí (khoảng 130 ang), hình dáng giống như ngôi nhà sàn thu nhỏ, được dựng ngay bên con đường mòn nằm giữa thôn. Ông Đinh Văn Roá (49 tuổi) - Trưởng thôn Gia Ry, kể: “20 năm trước, người dân Gia Ry vùng này nghèo lắm.
Đồng bào sống nhờ cây lúa, cây bắp trồng trên nương rẫy. Do làm theo cách cũ nên cây lúa, cây ngô không được nhiều hạt như bây giờ. Khi cây lúa trên nương vẫn còn xanh thì nhiều gia đình đã không còn gạo để nấu, thế là phải ra thị trấn mượn lúa”. Bà Đinh Thị Nhót (48 tuổi) bảo, thời còn phải đi mượn lúa ăn sợ lắm. Cứ mượn 1 thì trả thêm 1. Vì thế, đói nghèo bám riết mãi.
Thương người nghèo, già Đinh Văn Nhíu đã vận động người dân Gia Ry kẻ ít, người nhiều góp lúa lập nên kho thóc của làng. Tuy số lượng không lớn nhưng cũng đủ giúp cho hàng trăm hộ nghèo ở Gia Ry vượt qua cái đói trong kỳ giáp hạt. Chị Đinh Thị Giỏi tâm sự: “Nhà tôi có 3 con đi học, chồng mất sớm, cũng nhờ kho lúa của làng mà các con không phải chịu đói bữa nào”. Theo gương Gia Ry, nhiều làng cũng lập kho thóc tình thương.
Những năm lại đây, cuộc sống của đồng bào Gia Ry dần khấm khá lên. Số gia đình bị đói lúc giáp hạt phải đi mượn gạo về ăn đã giảm, nhưng kho thóc vẫn được người dân Gia Ry duy trì cho đến tận bây giờ. Mục đích sử dụng số lúa này cũng được thay đổi. Ngoài cho mượn, kho thóc còn sử dụng vào việc giúp đỡ những gia đình có tang. Nhà nào ở Gia Ry có người mất, nếu là trẻ con, thì được làng cho 3 ang lúa; người lớn 7 ang.
Hơn 20 năm tồn tại, với số lượng người vay mượn lên đến hàng ngàn lượt người, nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng vay không trả. Ai muốn mượn lúa thì cứ đến nhà xóm trưởng ghi tên vào sổ, đến mùa thu hoạch phơi khô lúa đem đến kho trả lại. Nhờ vậy mà hết năm này qua năm khác, cho đến tận bây giờ, kho thóc của Gia Ry vẫn luôn đầy lúa để giúp dân làng. Đồng bào Gia Ry gọi đùa kho thóc của mình là kho thóc Thạch Sanh!
Công Xuân