“Cứ lấy cho đủ miễn là đường đẹp”
Ông Trương Minh Hiến – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lý Nhân cho biết: Lý Nhân hiện có 22 xã và 1 thị trấn với khoảng 200.000 nhân khẩu. Là vùng chiêm trũng, nằm dọc ven con sông Đáy, kinh tế của địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp và một số nghề truyền thống như dệt, sản xuất đồ mộc, làm bánh đa nem. Hệ thống giao thông, đặc biệt là đường liên xã, thôn xóm, giao thông nội đồng đa số là đường đất, nhỏ, hẹp.
Phong trào hiến đất xây dựng NTM đang phát triển rất mạnh ở xã Nhân Khang (Lý Nhân, Hà Nam). |
Do đó, theo ông Hiến, để xây dựng nông thôn mới (NTM), địa phương lựa chọn những tiêu chí “trực quan” để thấy ngay lợi ích làm trước, như đường giao thông nông thôn, nội đồng, nhà văn hóa, rồi dồn điền đổi thửa. “Lúc đầu, vận động bà con hiến đất, ai cũng kiên quyết đòi đền bù, chứ chưa nói đến phải đập tường, phá cổng, nhưng khi hiểu thì nhà nhà đua nhau tự đập tường, dỡ cổng để làm đường” – ông Hiến cho biết.
Bà Lê Thị Tâm (xóm Bá, xã Công Lý) hồ hởi nói: “Tôi năm nay đã hơn 70 tuổi, nhưng vẫn phải đi con đường đất nhỏ hẹp, nay được Nhà nước phát động xây dựng NTM mở rộng đường sá, xây dựng nhà văn hóa, tôi rất đồng tình hưởng ứng. Gia đình tôi đã hiếm 70m2 đất vườn, phá gần 80m2 tường rào, chặt 4 cây nhãn to để mở đường”.
Đang cầm búa đập hạ tường rào đã xây kiên cố của gia đình, ông Lê Huy Tiễn (ở xóm Bá, xã Công Lý) cho hay: “Trước kia, xây tường rào, tôi cũng đã ý thức xây lùi vào một tý cho đường rộng, nhưng theo tiêu chí NTM, đường ít nhất phải rộng 4,5m nên mặc dù đã xây kiên cố, nhưng để “đẹp nhà, đẹp xóm”, tôi sẵn sàng đập hơn 60m2 tường và hiến 50m2 đất để mở rộng đường. Nếu thiếu cứ lấy cho đủ, miễn là đường đẹp!”.
Ai cũng sẵn sàng đóng góp
Các tuyến đường liên xã, thôn ở Lý Nhân giờ đây hầu hết đã được đổ bê tông phẳng lỳ, cây cối hai bên đường cũng được phát quang, khác hẳn với con đường đất hẹp, quanh co trước kia.
Ông Nguyễn Đình Điển – Chủ tịch UBND xã Công Lý cho biết: “Xã có 11 tuyến đường trục chính dài 19km, hiện đã bê tông hóa được 2km, ngoài ra còn làm được 2,2km đường liên xóm với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 2,07 tỷ đồng, doanh nghiệp 30 triệu đồng, còn lại là do người dân đóng góp. Dự kiến trong năm 2012, chúng tôi sẽ hoàn thành đường giao thông ở 8/12 xóm của xã”.
Ông Nguyễn Công Bản – Chủ tịch UBND xã Nhân Khang cũng cho hay, ngoài việc huy động sức đóng góp của người dân, xã còn được một số doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ bằng ximăng, cát, sỏi, với trị giá gần 3 tỷ đồng. “Bên cạnh việc vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ủng hộ các xã xây dựng NTM, Công ty Thy Sơn của chúng tôi đã ủng hộ 217 triệu đồng bằng vật liệu đá, ximăng và sẵn sàng ủng hộ tiếp”- anh Đinh Văn Hồng- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hà Nam nói.
Việt Tùng