40 năm vẫn... mới
Việc trồng xen ca cao trong vườn cây lâu năm như tiêu, điều, cà phê… vừa giúp cây trồng chính tăng năng suất, vừa giúp nông dân có thêm thu nhập từ cây ca cao. Tuy nhiên, sau 40 năm có mặt tại Việt Nam, cây ca cao hiện vẫn bị cho là cây trồng mới, nông dân không quan tâm chăm sóc, phát triển vườn.
Nhiều diện tích ca cao chưa được chăm sóc đúng quy trình. |
Ông Nguyễn Văn Bớt, ngụ ấp 5 xã Tân Hưng (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) trồng xen ca cao trong vườn điều rộng 5ha của gia đình. Sau 2 năm chăm sóc, 2,5ha ca cao của ông bắt đầu cho thu hoạch với năng suất từ 1,5 – 1,8 tấn hạt /ha. Với giá bán ở mức 40.500 đồng/kg như hiện nay, ông Bớt có thêm một nguồn thu nhập đáng kể, từ 65 – 70 triệu đồng/ha. Không chỉ vậy, từ khi trồng xen ca cao, năng suất vườn điều của ông cũng tăng từ 2 tấn/ha lên 3 – 3,5 tấn/ha.
Theo ông Bớt, trồng ca cao vất vả nhất là giai đoạn cây còn nhỏ, dưới 2 năm tuổi. Thời điểm này, cây dễ bị sâu bệnh, khả năng thích ứng với sự biến đổi liên tục của thời tiết còn hạn chế. Tuy nhiên, khi đã trưởng thành, việc chăm sóc cây ca cao khá đơn giản do cây ít bị nhiễm sâu bệnh, năng suất cũng tăng lên theo năm tuổi. Câu lạc bộ Ca cao xã Tân Hưng, nơi ông Bớt làm chủ nhiệm có 70 thành viên tham gia trồng ca cao trên diện tích 200ha, nhiều nông hộ cũng đã giàu lên nhờ thu nhập từ ca cao trồng xen trong vườn điều.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, do chăm sóc chưa tốt, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao khiến ca cao không thể cạnh tranh với các cây trồng khác. Từ đó dẫn tới tình trạng người nông dân chặt bỏ vườn ca cao để thay thế bằng các cây trồng khác trong nhiều năm qua, việc trồng mới ca cao tại các địa phương cũng gặp không ít khó khăn.
Sẽ thành lập viện nghiên cứu ca cao
Theo ông Hòa, ca cao là cây trồng rất nhạy cảm với sự chăm sóc và áp dụng kỹ thuật trong quá trình canh tác. Nếu được chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, ca cao có khả năng cho trái bói sau 2 năm tuổi và đạt năng suất cao sau 4 – 5 năm. Ngoài ra, đối với các mô hình trồng xen, kết quả đầu tư cho cây ca cao còn giúp nâng cao năng suất, hiệu quả của các cây trồng chính trong vườn như điều, cà phê, cây ăn quả…
Tuy nhiên, trong thực tế, tỷ lệ diện tích ca cao được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật rất ít, chỉ khoảng 20%. Phần còn lại chỉ được chăm sóc cầm chừng, khả năng đến đâu đầu tư đến đó hoặc chăm sóc không đúng kỹ thuật. Đối với những khu vườn này, cây sẽ bị suy kiệt, rất khó phục hồi và không cho năng suất tốt được.
Tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Phát triển sản xuất ca cao bền vững” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức mới đây tại Bình Phước, nhiều ý kiến đồng ý rằng, cần tăng cường hoạt động hỗ trợ kỹ thuật canh tác ca cao cho nông dân nhằm giúp cây trồng này phát triển tốt, cho năng suất cao.
Theo đó, ông Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng cho biết, trong kế hoạch phát triển lâu dài ngành hàng ca cao Việt Nam, các cơ quan chức năng đang chuẩn bị thành lập Viện Nghiên cứu phát triển ca cao Việt Nam với mục tiêu giúp cây ca cao phát triển bền vững.
Thuận Hải